Đầu tư công và trách nhiệm người đứng đầu
Chuyện giải ngân vốn đầu tư công không phải mới, nhưng có cảm giác “nói mãi vẫn không chuyển”- ấy là đối với những nơi xử lý quá lề mề chậm chạp. Nghèo, không có tiền - đã đành. Đằng này có “một đống tiền” đấy nhưng lại không chi, thật là phi lý.
Câu hỏi đặt ra không hề vô lý hay phản cảm chút nào là vì sao Chính phủ cấp tiền cho để đưa vào hoạt động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương nhưng các vị có quyền lại không quyết? Trong khi, thực tế cho thấy nhiều khoản đầu tư chỉ “nhoằng một cái” là chi hết, lại còn xin thêm.
Người ta có thể nêu ra nhiều lý do khiến cho việc giải ngân các khoản đầu tư công bị chậm. Ví dụ như thủ tục giấy tờ, giải phóng mặt bằng… Nhưng, nếu thế thì bộ, ngành này, địa phương nọ cũng vướng như thế mà người ta làm được; thì giải thích thế nào đây.
Bấy lâu nay, trong dư luận vẫn xì xào (mà không chỉ “dư luận” bởi thực tế không ít vụ xà xẻo dự án đã bị lôi ra trước tòa) lý do chính việc giải ngân vốn đầu tư công sở dĩ chậm là do sợ trách nhiệm (đúng hơn là sợ làm sai) và còn nhìn vào bên A, bên B, bên C.. bên N trong mỗi dự án. Có “thương thảo” xong quyền lợi mới tăng tốc giải ngân. Chẳng rõ đúng sai thế nào, mức độ đúng sai đến đâu nhưng khi có dư luận thì cũng không thể coi thường.
Đất nước ta vốn nghèo, bao năm rồi phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng chút từng chút để lo an sinh xã hội, nên dành ra được nguồn vốn đầu tư phát triển là cả một sự cố gắng. Nhất là năm nay, đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội trên phạm vi toàn cầu, và Việt Nam cũng không tránh khỏi, kinh tế - xã hội phải đương đầu với khó khăn chồng chất.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ LĐTBXH mới đây cho biết tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Số người thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm. Đến độ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phải thốt lên rằng chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao như thời điểm này, khoảng 2,56% (trong khi cuối năm 2019, là 1,98%).
Nhìn vào tình thế khó khăn đó thì không thể không “bung ra” phát triển sản xuất, mà muốn thế thì các dòng vốn phải đưa vào hoạt động, trong đó ngân sách đầu tư công là cực kỳ quan trọng vì lượng tiền rất lớn. Từ đó suy ra, nếu chậm chạp trong việc giải ngân vốn đầu tư công thì cũng gần như không chịu phục hồi sản xuất thời hậu Covid, ngáng trở sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Chỉ có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%. Trong khi có tới 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%; đặc biệt trong đó có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Những con số thật đáng lo ngại.
Cũng chính vì thế mà tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công (ngày 16/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Thủ tướng nói, “phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”.
Như vậy, hóa ra cơ sự vẫn ở chỗ người đứng đầu. Nhanh chậm, sai đúng quan trọng nhất vẫn là ở người đứng đầu. Không chỉ việc đầu tư công mà ở các việc khác cũng vậy. Nhưng thật đáng tiếc “người đứng đầu” mấy khi bị xử lý nếu không sai phạm mang tính hình sự.
Hy vọng lần này, chí ít là với việc giải ngân vốn đầu tư công, tình hình sẽ khác. Như Thủ tướng đã chỉ đạo, phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân; đồng thời sẽ điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. “Tối hậu thư” ấy bắt đầu từ đầu tháng 8 tới. Đây là biện pháp rất quan trọng vì nói nôm na là không làm sẽ mất phần.
Tuy nhiên, còn hy vọng hơn nữa là những nơi nào giải ngân vốn đầu tư chậm thì người đứng đầu nơi đó phải bị xem xét kỷ luật. Khi “xử” mạnh như thế với những con người cụ thể thì chắc chắn tình hình sẽ khác đi. Còn thì nếu vẫn chỉ dừng lại ở nhắc nhở, phê bình… thì rồi lại rút kinh nghiệm là xong.
Viết tới đây bỗng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Đà Nẵng khi ông nói rằng không có sợi dây nào dài như “sợi dây kinh nghiệm”, càng rút càng dài...