Dự án giao thông không đảm bảo chất lượng: Bài học về việc bỏ lọt sai phạm
Việc sử dụng nhân sự không đúng trình độ, nhân sự sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả... là một trong những nguyên nhân dẫn tới các công trình giao thông kém chất lượng ra đời. Việc này kéo theo hệ quả gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho Nhà nước
Vừa qua có hàng loạt lãnh đạo các đơn vị giao thông bị khởi tố vì có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình, từ đó dẫn đến việc đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho Nhà nước.
Hành vi vi phạm thì đã rõ, cũng có nhiều chuyên gia phân tích và chỉ ra những yếu kém trong quản lý để dẫn đến sai phạm nghiêm trọng này nhưng nguyên nhân trong việc sử dụng nhân sự không đúng trình độ, nhân sự sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả thì chưa được nhiều chuyên gia nhắc tới.
Khởi tố loạt cá nhân sai phạm khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước
Ngày 3/7 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 9 nguyên lãnh đạo các gói thầu dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can trên đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ đó, dẫn đến việc đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trước đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 người gồm: Nguyễn Tiến Thành (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Hà Văn Bình (nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Phạm Đình Phú (phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành), Lương Trung Dũng (chỉ huy trưởng gói thầu số 5 thuộc công ty TNHH xây dựng Thành Phát) và Nguyễn Thành An (thành viên Cienco 1, phó giám đốc ban điều hành gói thầu số 7).
Từ cuối tháng 10/2018, hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã kiểm điểm tổng giám đốc VEC về trách nhiệm phụ trách trực tiếp và quản lý vận hành bảo trì dự án, song đã không nghiêm túc thực hiện nghị quyết của hội đồng thành viên, để xảy ra hậu quả.
Theo đại diện VEC, sau hơn một năm khai thác 65km cao tốc, một số hư hỏng cục bộ xuất hiện. Các đơn vị kiểm tra đã báo cáo nhưng nhà thầu không sửa chữa kịp thời, triệt để, làm hư hỏng nặng thêm. Trên tuyến đường xuất hiện 21 vị trí trong số 426 tổng số cầu, cống bị thấm, dột, tại một số vị trí mái taluy sạt trượt.
Việc để xảy ra sai phạm liên quan đến việc vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình chất lượng công trình, chất lượng công trình yếu kém không thể không nhắc đến nguyên nhân do nhân sự không phù hợp.
Theo chuyên gia Quản lý dự án Nguyễn Hoàng Minh (Tập đoàn APaH): Để không có những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến chất lượng công trình, các Ban quản lý trong cả nước cần thực hiện viêc rà soát định kỳ toàn bộ công tác đấu thầu tại các dự án do đơn vị mình quản lý. Trường hợp nghi ngờ tập thể, cá nhân có dấu hiệu sử dụng chứng chỉ bằng cấp không đúng tham gia dự thầu thì cần báo cáo tới các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Nhiều vụ sử dụng chứng chỉ giả trong hồ sơ dự thầu
Dù các nhà thầu làm giả báo cáo tài chính, khai khống doanh thu, sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong các bộ hồ sơ dự thầu một cách tinh vi nhưng vẫn bị cơ quan chứ năng phát hiện.
Việc xử lý các sai phạm cũng được nhiều chủ đầu tư quyết liệt nhưng vẫn tồn tại thực trạng hàng loạt vụ việc làm giả chứng chỉ được phản ánh đến các cơ quan báo chí như: Công ty Cổ phần 471 tiếp tục sử dụng chứng chỉ giả mạo cơ quan Nhà nước cấp trong hồ sơ dự thầu Gói thầu LC:4-XD:3- thi công xây dựng các cầu huyện Tân Uyên, Dự án thành phần 4, tỉnh Lai Châu thuộc Hợp phần xây dựng cầu dân sinh – Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ban quản lý dự án 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư;
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Vinh Đăk Lăk bị tố làm giả chứng chỉ trong hồ sơ dự thầu khi Sở xây dựng Thái Nguyên trả lời không cấp chứng chỉ các mã số GS1-280-11284, GS1-280-11189, GS1-280-11198.
Vụ việc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico1) làm giả chứng chỉ hành nghề xây dựng dự thầu tại gói thầu DN-CW-02 thuộc dự án hỗ trợ khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Đăk Nông gói thầu được sử dụng bằng nguồn vốn vay viện trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)… là những vụ việc điển hình, đáng báo động.
Cuối tháng 6/2020 ông Nguyễn Văn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã chủ trì một cuộc họp để làm rõ những sai phạm liên quan đến gói thầu DN-CW-02 thuộc dự án hỗ trợ khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Đăk Nông. Tham gia cuộc họp có Sở tư pháp, Sở kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đăk Nông.
Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông chỉ đạo các sở ban ngành cùng phối hợp nghiên cứu làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác đấu thầu của Công ty cổ phần đâu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico1) xử lý theo thâm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu đề xuất UBND tỉnh Đăk Nông xử lý theo quy định.
Chủ đầu tư nên có các phương án rà soát, kiểm tra các chứng chỉ được đính kèm trong các bộ hồ sơ của nhà thầu khi tham gia đấu thầu để đảm bảo các công trình đang được thực hiện bởi các nhân sự có chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc kiểm tra, rà soát nếu được các đơn vị chức năng thực hiện một cách nghiêm túc chắc chắc sẽ hạn chế được những công trình kém chất lượng như một số công trình đã bị phản ánh trong thời gian vừa qua.