Covid-19 đẩy giáo dục toàn cầu vào thế lâm nguy

Thế Tuấn 19/07/2020 08:27

Đó là cảnh báo của Tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children) khi cho rằng hiện có tới trên dưới 100 triệu trẻ em có nguy cơ không bao giờ quay lại lớp.

Tổ chức này đã đưa ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục chưa từng thấy trong lịch sử. Save the Children dẫn số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, vào tháng 4 vừa qua, khoảng 1,6 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn thế giới đã không thể đến trường do các biện pháp khống chế dịch bệnh, tương đương với 90% số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới.

Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh sự hình thành một thế giới mới, mọi sự thay đổi, trong đó có chuyện học tập. Nguồn: Politico.
Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh sự hình thành một thế giới mới, mọi sự thay đổi, trong đó có chuyện học tập. Nguồn: Politico.

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chương trình giáo dục của cả một thế hệ trẻ em trên toàn cầu bị gián đoạn- Save the Children lưu ý; đồng thời cho rằng khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 có thể đẩy 90 đến 117 triệu trẻ em rơi vào nghèo đói, khiến các em không thể nhập học trở lại. Trong bối cảnh có nhiều thanh thiếu niên buộc phải làm việc, hay các em gái buộc phải kết hôn sớm để hỗ trợ gia đình, điều này có thể dẫn đến khoảng 10 triệu trẻ em phải bỏ học vĩnh viễn.

Save the Children cũng không quên cảnh báo, đến cuối năm 2021, cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt 77 tỷ USD cho ngân sách giáo dục tại các những quốc gia có thu nhập vừa và thấp.

“Khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ có thể quay trở lại trường học được nữa”- người đứng đầu Save the Children, bà Inger Ashing, nhấn mạnh. Trong tình thế đó thì việc các em cần được hỗ trợ học từ xa nư một giải pháp hữu hiệu.

Bà Ashing cho rằng nếu không sớm giải quyết, cuộc khủng hoảng giáo dục này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ em. Mục tiêu của Liên hợp quốc về đảm bảo trẻ em trên toàn cầu có thể tiếp cận giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị lùi lại thêm nhiều năm.

Học trực tuyến và sự thua thiệt của con nhà nghèo

Theo báo cáo của Save the Children, 12 quốc gia có trẻ em đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu về giáo dục gồm Niger, Mali, Chad, Liberia, Afghanistan, Guinea, Mauritania, Yemen, Nigeria, Pakistan, Senegal và Côte d'Ivoire. Trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu đã không thể đến trường.

Người ta cũng biết rằng, chỉ sau 2 tháng đại dịch Covid-19 bùng phát (tính đến cuối tháng 4/2020), hơn 90% học sinh trên thế giới đã bị ảnh hưởng do các trường học phải đóng cửa.

Giới chuyên gia giáo dục cho rằng, khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo, vốn tồn tại trong các hệ thống giáo dục đã và sẽ tiếp tục nới rộng do việc đóng cửa trường học.

Theo thống kê của UNESCO, 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người.

Trong bối cảnh đó, người ta đành phải đẩy mạnh hình thức học trực tuyến. Nhưng, nhóm học sinh yếu thế (con nhà nghèo) lại không có gian học tập phù hợp, không có đủ trang thiết bị để học trực tuyến vì thế lại nảy sinh tiếp một vấn đề xã hội khác lớn hơn và sâu sắc hơn. Nói như tổ chức từ thiện giáo dục Sutton Trust thì những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhiều khả năng bị điểm kém hơn so với các bạn cùng lứa sống trong gia đình có điều kiện. Nhiều em nhỏ đã từng phải đi bộ hàng km để đến trường học gần nhất, bây giờ lại phải xoay sở với vấn đề tiếp cận kỹ thuật số để học trực tuyến.

Chưa hết, theo tổ chức nghiên cứu Pew, hầu hết con nhà nghèo không thể hoàn thành bài tập vì thiếu kết nối Internet hoặc không có máy tính. Đối với nhiều trẻ em ở khu vực Hạ Sahara ở châu Phi, việc học trực tuyến không phải là một lựa chọn.

Còn theo UNESCO, ở Mali, Niger và Nam Sudan, 3 quốc gia với tỷ lệ học sinh nữ nhập học và tốt nghiệp thấp nhất thế giới, trường học tạm dừng hoạt động khiến hơn 4 triệu học sinh nữ thất học. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ bé gái bị bạo hành, lạm dụng thể xác.

Eric Hazard, Giám đốc chính sách châu Phi của tổ chức Save the Children, cho biết trẻ em không được đến trường cũng có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng, đặc biệt trẻ em gái nhiều khả năng không bao giờ được quay lại trường. Khi áp lực đè nặng lên các gia đình có thu nhập thấp, trẻ em có thể buộc phải làm việc để tăng thu nhập cho gia đình hoặc là nạn nhân của nạn tảo hôn.

Nước Mỹ cũng lúng túng

Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã và đang tiếp tục quay cuồng vì Covid-19. Điều đó không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà còn là kinh tế và các vấn đề xã hội - trong đó có giáo dục.

Vào tuần lễ đầu tiên của tháng 7, Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) thông báo các sinh viên nước ngoài nếu không học trực tiếp (trên lớp) sẽ phải chuyển trường, hoặc đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước.

Một học sinh ở Tây Ban Nha tham gia học trực tuyến bằng cách sử dụng Zoom tại nhà.
Một học sinh ở Tây Ban Nha tham gia học trực tuyến bằng cách sử dụng Zoom tại nhà.

Kênh CNN dẫn thông cáo chính thức của ICE cho biết, động thái này có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ du học hoặc tham gia các chương trình đào tạo - trao đổi, cũng như các khóa học nghề hoặc phi học thuật. Theo Viện Chính sách di cư trụ sở ở Washington D.C., có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện bị ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ.

Trong thông báo ngày 6/7, ICE nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên theo học các trường và chương trình đào tạo hoàn toàn chuyển sang phương thức học trực tuyến trong mùa thu này, cũng như Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) sẽ không cho phép những sinh viên này nhập cảnh vào Mỹ”.

Brad Farnsworth, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ, nói rằng thông báo trên của ICE khiến ông và nhiều người khác bất ngờ.

“Tôi nghĩ điều này sẽ chỉ gây thêm nhiều sự lúng túng và bất ổn. Điều chúng tôi mong đợi được thấy là sự đánh giá cao mọi phương thức giảng dạy khác nhau mà các trường đang theo đuổi”, ông Brad chia sẻ.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, ngày 14/7, Nhà Trắng đã hủy chính sách tước thị thực của các sinh viên quốc tế có khóa học trực tuyến. Trước đó, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã kiện chính quyền liên bang về việc tước visa của sinh viên nước ngoài nếu có chương trình học online 100%. Ngay sau đó, các trường cao đẳng công lập của California và liên minh của 17 tiểu bang tiếp tục đưa đơn kiện. Hơn 160.000 chữ ký của du học sinh tại Mỹ được tổng hợp gửi lên chính quyền của Tổng thống Trump để kháng nghị về quyết định trên.

Về vấn đề này, Thẩm phán Allison Burroughs (quận liên bang ở Boston), đưa ra thông báo: "Tôi đã nhận được thông báo từ Nhà Trắng, họ sẽ đưa mọi thứ trở lại nguyên trạng... và sẽ hủy áp dụng chỉ thị chính sách tháng 7/2020". Còn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, giải pháp này đưa ra nhằm tạo điều kiện cho việc kết hợp giữa hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp. “Nước Mỹ từ lâu luôn là điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn và chúng tôi vui mừng khi biết nhiều sinh viên quốc tế học tập vào mùa thu này vẫn có cơ hội thực hiện điều đó”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong thông báo.

Câu chuyện kể trên cho thấy, Covid-19 đã ảnh hưởng ghê gớm thế nào tới lĩnh vực giáo dục, và rằng kể cả quốc gia giàu có nhất cũng “tiền hậu bất nhất” trước một vụ việc chưa từng có tiền lệ. Điều đó cũng cho thấy, lĩnh vực này sẽ còn bị tác động lâu dài, kể cả khi đại dịch đã đi qua.

Sẽ ra sao nếu học trực tuyến kéo dài?

Trở lại vấn đề học thế nào trong thời đại dịch Covid, cùng với việc chất lượng dạy và học giảm sút thì hình thức học (trực tuyến) cũng gây ra nhiều tranh cãi trên phạm vi toàn cầu.

Một chuyên gia giáo dục nói với New York Times, để thực hiện những lớp trực tuyến, nhà trường phải định hướng lại các nguồn lực và cả hoạt động thường xuyên của mình. Sẽ phải trang bị công nghệ mới để bài giảng được gửi đồng thời cho sinh viên trong giảng đường cũng như sinh viên "ảo". Giảng viên sẽ cần được đào tạo về cách dạy sao cho hiệu quả một lớp học hỗn hợp - vừa trong giảng đường vừa qua mạng. Họ cũng phải được đào tạo cách soạn bài giảng kiểu mới.

Nhưng, nói như Della Bradshaw- biên tập viên giáo dục tờ Financial Times thì "đại học từ xa chỉ là cô bé lọ lem trong ngành công nghiệp giáo dục hiện nay”, cho dù giáo dục trực tuyến được xem như kết quả của thế giới thông tin điện tử toàn cầu.

Không có cách nào tốt hơn là học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid, nhưng giới chuyên gia lại khăng khăng rằng nó không thể giúp đánh giá được đúng trình độ của người học. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ có 34% trong tổng số gần 450 chuyên gia đánh giá bằng cấp của các khóa học trực tuyến ngang bằng với giáo dục thông thường. 55% cho rằng họ không nhìn nhận bằng cấp đào tạo trực tuyến như bằng cấp thông thường về mặt kinh nghiệm thực tế và môi trường học, 15% còn lại nhận xét rằng sinh viên với bằng đào tạo trực tuyến không phù hợp với nghề nghiệp bậc quản lý.

Nhưng dẫu thế thì cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước theo một cách nào đó, kể cả khi “giáo dục lâm nguy”.

Thế Tuấn