Xây dựng ‘thành phố biển xanh’
Hải Phòng có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhưng sự phát triển đi kèm hệ luỵ là rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong đó có nhiều rác thải khó phân huỷ. Điều này gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường biển.
Trước thực tế này, MTTQ và các đoàn thể của TP Hải Phòng đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường, thu gom rác thải khác nhau, qua đó, ý thức người dân được nâng cao, góp phần đưa Hải Phòng thành thành phố biển xanh, sạch, đẹp.
Những ngày gần đây, trong các gia đình trên địa bàn Tổ dân phố số 8 phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) đã xuất hiện những thùng rác mới. Mỗi nhà đều chuẩn bị một chiếc xô màu xanh và những chiếc túi ni lông màu đen. Xô xanh dùng để đựng rác hữu cơ như: vỏ hoa quả, cọng rau, thức ăn thừa…; túi ni-lông đen để đựng đồ nhựa, giấy, gốm sứ… phế thải. Mới triển khai từ đầu tháng 7/2020, nhưng người dân đã làm quen với mô hình và đều nhắc nhở nhau thực hiện.
Trước đó, Ủy ban MTTQ phường Cầu Tre đã thực hiện xin ý kiến nhân dân trước khi triển khai, sau đó, thành lập Ban quản lý mô hình gồm 9 thành viên do Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố làm Trưởng ban. Ban quản lý mô hình đã xây dựng nội quy thực hiện và Quy chế hoạt động. Được nhân dân ủng hộ nên toàn bộ 500 chiếc xô để phân loại rác đã được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Các hộ dân phân loại rác tại nhà, vào 17h hàng ngày, các hộ dân đổ rác ra các xe chuyên dùng theo phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ.
Tuy nhiên, khi cuộc sống tiêu dùng ngày càng phát triển thì rác thải xả ra môi trường ngày một nhiều hơn. Bởi vậy, MTTQ thành phố và các đoàn thể xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, phù hợp với các địa bàn, đối tượng dân cư khác nhau. Một trong những mô hình diễn ra sôi nổi là “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư vùng đồng bào có đạo”.
Một trong những địa bàn triển khai hiệu quả là xã Đặng Cương, huyện An Dương. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, nhất là ô nhiễm nguồn nước mặt đang diễn ra và ngày càng gia tăng mức độ do tình trạng xả nước thải sinh hoạt của các hộ dân chưa qua xử lý, ô nhiễm từ nghĩa trang nhân dân, ảnh hưởng do dùng thuốc bảo vệ thực vật từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trực tiếp thải ra môi trường gia tăng.
Song, việc xây dựng mô hình đã phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của đồng bào Công giáo tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Chỉ sau một thời gian thực hiện, nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt, các hộ cam kết phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý đối với rác dễ tiêu hủy ngay tại nhà; tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng cây xanh ở các trục đường chính… Đến nay, riêng đồng bào Công giáo đã xây dựng được hàng chục mô hình như thế.
Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong tín đồ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương phát huy hiệu quả hoạt động phong trào.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đưa những nội dung trong chương trình phối hợp vào chương trình hoạt động Phật sự hằng năm; vận động Phật tử tham gia công tác từ thiện nhân đạo hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ; hạn chế việc đốt hương, không đốt vàng mã gây ảnh hưởng đến môi trường…
Giáo phận Hải Phòng ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình phối hợp gắn với thực hiện thông điệp Ladatosi của Giáo hoàng Phanxicô với đường hướng “Người tín hữu Công giáo có ý thức và có hành vi tích cực để bảo vệ môi trường và làm giảm biến đổi khí hậu”.
Một đặc trưng khác của Hải Phòng là thành phố biển nên rác thải có nguy cơ bị xả ra biển là rất lớn, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường các loài thủy sinh, ảnh hưởng đến du lịch. Bởi vậy, cùng với các phong trào gìn giữ môi trường nói chung, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân rất quan tâm đến gìn giữ môi trường biển.
Hiện Hải Phòng có trên 7.000 phương tiện tàu thuyền, trong đó có trên 4.000 phương tiện nghề cá thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển, nhất là vùng đánh bắt chung Vịnh Bắc Bộ nên nếu không ý thức bảo vệ môi trường, lượng rác thải xả ra biển là rất lớn.
Phong trào “Nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường biển” diễn ra hết sức sôi nổi. Mặc dù phát động chưa lâu, nhưng hoạt động này được ngư dân hết sức ủng hộ. Trong dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5-6 vừa qua, mô hình “Phân loại rác thải biển tại nguồn” đã được ra mắt tại phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Mô hình này do Hội Nông dân TP Hải Phòng chủ trì.
Triển khai mô hình này, các đoàn thể vận động người dân, nhất là ngư dân vứt rác bừa bãi, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần để chung tay bảo vệ môi trường biển. Đối với ngư dân, những người coi “biển là nhà”, hoạt động của ngư dân cũng xả ra môi trường nhiều loại rác khó phân hủy như, lưới, ngư cụ, chai nhựa, túi ni lông...
Bởi vậy triển khai mô hình “Phân loại rác thải biển tại nguồn”, các thùng rác sẽ đặt ngay tại các tàu của ngư dân, đồng thời đặt tại cảng cá để ngư dân phân loại, đưa lên bờ xử lý chứ không đổ thẳng ra biển như trước.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng Đỗ Đức Hòa, Hội Nông dân thành phố sẽ đề nghị Hội Nông dân các địa phương có biển phối hợp với các đồn biên phòng và các địa phương có hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào, xây dựng các biện pháp thiết thực để hạn chế xả rác ra biển.
Là một ngư dân ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, ông Trần Văn Hợp cho biết: “Vấn đề ô nhiễm môi trường biển và đại dương đang ở mức báo động. Thực tế những năm qua, ngư dân chúng tôi đều luôn ý thức được trách nhiệm của mình với môi trường biển. Khi tham gia mô hình này, ngoài việc phân loại rác, không vứt rác xuống biển, tôi cũng sẽ vận động các ngư dân khác làm theo, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Việc bảo vệ môi trường do MTTQ và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn TP Hải Phòng được thực hiện dưới nhiều hình thức tập hợp quần chúng đa dạng. Qua đó, từng bước xây dựng Hải Phòng thành “thành phố biển xanh”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng Đỗ Tràng Thành cho biết, rác thải đang là vấn đề lớn đe dọa môi trường sống. Để giải quyết vấn đề hiệu quả, nhất thiết phải có bàn tay của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời, vai trò tham gia của người dân cũng rất quan trọng. Trong nhiều năm qua, Mặt trận TP Hải Phòng đã triển khai các mô hình thu gom rác nơi công cộng qua việc đặt thùng rác tại xóm, ngõ, khu dân cư trên địa bàn quận Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và gần đây đã triển khai phân loại rác sinh hoạt tại gia đình trên địa bàn quận Ngô Quyền để góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.