Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Nghệ thuật khiến con người đẹp lên
Mặc dù gặp liên tiếp khó khăn, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn rất kiên nhẫn để duy trì các dự án nghệ thuật cộng đồng từ “Ơ kìa Hà Nội”. Chị chia sẻ, mặc dù có lúc nản lòng nhưng bởi niềm tin: “nghệ thuật khiến con người ta đẹp lên”, vì vậy, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đã đang được chị và “Ơ kìa Hà Nội” tổ chức.
PV: Bắt đầu như thế nào mà ý tưởng cho “Ơ kìa Hà Nội” ra đời?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi muốn làm những việc hay hay cho bà con từ lâu rồi, bé tí tôi đã thích cái cảm giác được nhìn ngắm mọi người đông vui tụ họp lại một chỗ để nghe - xem - nhìn ngắm - bàn bạc - thưởng thức một thứ gì. Sau này, tôi làm phim thì tôi nghĩ đây là việc mình thích nhất rồi đấy. Nhưng thích thì chưa đủ. Tôi chờ đợi cơ hội đến và tôi cần lao động. Thế là tôi nghĩ ra “Úi Chà trà” rồi “Ơ kìa Hà Nội” rồi “Okia Cinema” rồi “Thư viện Ơ kìa”…Và tất cả những thứ nhỏ xinh ấy, tôi gom lại ở một không gian có thật mà kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường sẽ thiết kế - xây dựng dựa trên tinh thần tạo ra một Hà Nội nhỏ trong lòng Hà Nội lớn. Một Hà Nội ở khía cạnh tinh thần sẽ neo bám rồi phủ dầy lên trên không gian hiện hữu.
“Ơ kìa Hà Nội” với tôi hơi giống một kịch bản tương tác cao - mỗi ngày mỗi thêm sáng tạo - tôi thực hiện “Ơ kìa Hà Nội” có lẽ cũng trong tư duy của việc đang làm một bộ phim.
Những khó khăn mà chị và nghệ sĩ đã phải trải qua với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng?
- Thật ra tôi là người mà bạn đã đặt lòng tin và cho tôi sự tự do thì bạn sẽ thấy, chả có gì là khó khăn hay vật cản đâu. “Ơ kìa Hà Nội” thì tôi lại vận hành theo nếp gia đình - bạn bè cứ thế nở rộng dần, hầu hết người chưa quen thì cũng đâu đó thích thích mình hoặc thích những gì mình đã làm - phim ảnh chả hạn. Nên người ta thường là khá tin mình. Vả lại, nghệ sĩ họ chỉ có sức lực - sáng tạo - tài năng làm vốn liếng, họ lại thuộc nhóm chẳng so đo. Nên khi tôi không mượn tiền, chỉ mượn tài thì…nói chung là chưa thấy khó khăn gì mấy. Còn với công chúng, sau đó họ cũng phát hiện ra, thưởng thức nghệ thuật không chỉ bằng nhiệt tình và thời gian. Nó còn là câu chuyện của rất nhiều xoắn vặn tư duy và xoắn vặn tâm can.
Mọi thứ từ sức lực, tiền đến tài tôi có, tôi sẽ đốt cạn cho cái hướng bên ngoài! Tôi kiếm ra tiền đúng là để rồi lại dùng tiền làm gì đó cho xung quanh. Không cố tình đâu, mà đúng là như vậy!
Làm đủ các loại hình, từ điện ảnh, văn chương, kịch nói, mỹ thuật, nhiếp ảnh… làm sao để chị “bao sân” được hết và tổ chức thành công mỗi chương trình?
- Tôi đã tận tuỵ với điện ảnh - cái thứ nghệ thuật tham lam ngốn nuốt vào bên trong nó đủ cả chả trừ bất cứ bộ môn nào. Nên tâm thế của tôi khi làm gì cũng có xu hướng tích hợp. Về mặt quy trình, tôi làm sự kiện không khác gì… sản xuất một bộ phim. Có lúc nghèo quá cũng buộc cắt đi tương đối “phân đoạn” trong kịch bản. Chứ nếu đúng như dự định thì… “Ơ Kìa Hà Nội” phải thực sự là một nơi mây trắng bây về - tự do - bay bổng - và không có ranh giới giữa các loại hình, các tiếng nói trong nghệ thuật.
Điện ảnh cho tôi không chỉ một tư duy đa diện mà còn cho tôi một sự cởi mở trong tiếp nạp. Và tuyệt vời nhất nó cho tôi một cơ hội để sống trong rất nhiều dạng thức khác nhau của sáng tạo. Chính lúc đó, với vai trò là nghệ sĩ sáng tạo và là công chúng hưởng thụ - tôi đã tạo được một mạng lưới cá nhân rất thú vị. Khi tôi la cà cho khuây khoả, chính là khi đầu óc nhẹ nhàng, đón nhận được nhiều điều hay. Tôi tích luỹ được không chỉ cho sự hưởng thụ cá nhân. Mà còn là những mối liên kết, với các nghệ sĩ ở các ngành nghề khác.
Có cái khó duy nhất lâu nay nó cứ bám lấy mình, rũ ra nó vẫn lẵng nhẵng theo đuôi. Ấy là tiền!
Còn sự tiếp cận của công chúng đối với các hoạt động của “Ơ kìa Hà Nội” ra sao, thưa chị?
- Nếu nói về việc quảng bá thì Ơ kìa thực hiện qua facebook. Tất cả đều qua facebook. Và từ đó thì lan toả sang các kênh chính thống khác. Bạn bè tôi làm báo - làm truyền thông đông đảo. Nhưng thú thật tôi ít khi nhờ việc của mình. Vì sự giúp đỡ với tôi là của để dành. Và tâm lý của tôi cũng thoải mái hơn khi đi cầu viện giúp đỡ cho người khác.
Công chúng có thể thảnh thơi đến Ơ kìa bất cứ lúc nào, có trà ngon, café sạch, nhiều đồ ăn thức uống homemade, chúng chính là 1 trong 3 “nhà tài trợ” quan trọng của Ơ kìa đấy.
Nhà tài trợ số 2 chính là tôi và kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường là những người sáng lập và những nghệ sĩ đã đồng hành.
Nhà tài trợ số 3 thì không thường xuyên đâu, nhưng xuất hiện đúng kiểu “gói cứu trợ khẩn cấp”, ấy chính là bạn bè.
Với quan sát của chị, các dự án nghệ thuật cộng đồng từ “Ơ kìa Hà Nội” nói riêng và dự án nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam nói chung đang có những tác động ra sao đến tinh thần cũng như nhận thức thẩm mỹ của công chúng?
- Thực ra ông cha ta có đời sống tinh thần khá phong phú - đã thế lại giữ gìn được - tiếp nối và sáng tạo được… Đến thế hệ chúng tôi, nhiều thứ tốt lên, nhưng đời sống tinh thần, đặc biệt là nhánh thưởng thức văn hoá nghệ thuật thì càng ngày càng cùn đi, cũ mòn, hoặc có gì… rất lệch. Thậm chí tệ hơn là ở nhiều nơi thì biến mất luôn. Công chúng ở một số vùng rơi vào hoàn cảnh chả còn chỗ nào để mà tiếp cận với nghệ thuật chứ chưa nói đến thưởng thức - nghiên cứu - phát triển nó.
Tôi nghĩ là mình làm được gì thì phải dốc sức làm ngay. Tôi thường nuông chiều khán giả bằng một số sự kiện hoặc buổi chiếu dễ xem, dễ cảm… sau thì sẽ có vài thứ thách thức hơn. Nhưng tôi hay nói rõ luôn, để mọi người cũng chuẩn bị tinh thần và quan trọng là hiểu rằng, nghệ thuật cùng với sáng tạo của nghệ sĩ chính là món quà quý.
Công chúng thực sự cần nghệ thuật, nghệ sĩ thì thật sự cần công chúng. Và chúng tôi thì đang đi theo hướng tạo ra một tam giác linh hoạt nơi mà nghệ sĩ - nghệ thuật - công chúng nằm ở 3 điểm, tạo thế vững chãi, níu giằng chặt chẽ. Nên tôi chỉ mong mọi người tin vào thẩm mỹ của công chúng – sức sáng tạo của nghệ sĩ - sự đa dạng của nghệ thuật sẽ được đắp bồi tỉ lệ thuận cùng nhau.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.