Chuyện kể từ người cựu tù Phú Quốc
Cựu chiến binh, cựu tù binh Phú Quốc, thương binh Lâm Văn Bảng năm nay đã ngoài 70 tuổi, được biết đến là người thành lập và quản lý Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày - một bảo tàng tư nhân hiếm có ở Việt Nam. Câu chuyện thành lập và duy trì hoạt động bảo tàng của ông Bảng có nhiều vui buồn, cũng có những điều kì lạ, khó tin, xúc động.
Nhà tắm hương linh - nhà tắm có một không hai dành cho người đã khuất
Chị Lưu Xa - nhân viên của Bảo tàng đưa tôi đi một vòng, sau khi tôi đã dâng hương ở khu đền thờ các liệt sĩ. Chị dừng lại đầu tiên ở một căn phòng nhỏ, dựng bằng tôn, bên ngoài viết dòng chữ "Nhà tắm hương linh".
Bên trong căn phòng rộng chừng chưa đầy 2m vuông đó có xô chậu, nước sạch, bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt,khăn tắm... tức là tất cả những vật dụng cần có cho một cái nhà tắm thông thường. Tôi hỏi tại sao lại đề là "nhà tắm hương linh", chị nói, đây là xuất phát từ ý nguyện của người sáng lập ra bảo tàng - ông Lâm Văn Bảng.
Trong kí ức của ông Bảng thì một trong những điều đau lòng nhất là tất cả đồng đội khi hi sinh trong nhà tù đều không được tắm rửa sạch sẽ. Nhiều người bị tra tấn đến chết trên vũng máu. Nhất là các nữ tù binh. Thương xót khôn cùng. Vì thế, nhất định là ông phải cho dựng một phòng tắm.
Chuyện kì lạ là, chị Xa nói, ngày nào các chị cũng nhớ thay nước trong xô đựng, vò các khăn mặt sạch sẽ, nhưng nếu hôm nào đó có việc gì bận quá, nhãng đi, đến tầm trưa mới ra thay thì nước trong xô đã bẩn như có người dùng rồi.
Từ cái lần bị quên đấy, các chị bảo nhau, bận đến đâu thì bận, sáng sớm nào cũng phải thay nước, vò khăn. Mà nước trong các xô nhựa phải là nước mưa chứ không dùng nước máy hay nước giếng. Cứ mưa xuống là hứng nước tích trữ lại để các bác, các anh dùng dần.
Bảo tàng của ông Lâm Văn Bảng hiện giờ có đến 4000 hiện vật, trên diện tích 2000m2 vốn là đất nhà và vườn của gia đình ông. Một trong những điều đặc biệt nhất là, hầu như tất cả các hiện vật, kể các khu chuồng cọp, nhà giam, lồng nhốt tù binh bằng dây thép gai... đều được làm từ các nguyên liệu mang từ các nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo... về.
Đều là đồng đội của ông Bảng hỗ trợ, gửi về để ông dựng lại trong bảo tàng. Chính vì thế mà từ đoạn dây thép gai trở đi cũng đã ngấm trong nó không biết bao nhiêu máu của các chiến sĩ cách mạng. Đây là điều mà các bảo tàng lớn, quy mô, lâu năm khó có được.
Bảo tàng của ông Bảng, vì thế, không phải chỉ là nơi cất giữ hiện vật, mà còn là một ngôi nhà chung của hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ trên khắp cả nước. Trong số đó, nhiều người đã được tìm thấy hài cốt, nhiều người chưa hề tìm thấy dấu vết, và rất có thể sẽ mãi mãi không tìm thấy. Và với tấm lòng của ông Bảng cùng đồng đội, họ cuối cùng cũng có một nơi để tụ họp với nhau.
Họ là những người lính của nhiều trung đoàn, sư đoàn, của nhiều lực lượng. Lục quân có, hải quân, không quân có, tình báo có, thông tin liên lạc có... Chiến đấu trên khắp các mặt trận, hi sinh tuổi thanh xuân hào hoa lãng mạn, và không thể trở về dù chỉ để nói một lời tạm biệt mẹ cha già yếu.
"Tôi muốn báo cáo với toàn dân rằng những người chiến sĩ cách mạng đã kiên trung như thế nào"
Năm 1966, tôi vào Nam và tham gia chiến đấu ở trung đoàn 1, sư 9 miền đông Nam Bộ - Ông Lâm Văn Bảng kể. Năm 1968 tôi bị thương nặng, bị địch bắt và bị giam ở nhà tù Phú Quốc. Trong tù, bị tra tấn dã man như thời trung cổ, nhưng cái đó không ám ảnh bằng việc chứng kiến sự hi sinh của đồng đội. Còn sống và được trở về, tôi nghĩ rằng phải làm việc gì đó để báo cáo với Đảng, với nhân dân, với quân đội rằng những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đã kiên trung bất khuất và trung thành vô hạn đối với Đảng và với Tổ quốc.
Chúng tôi cũng muốn từ những hiện vật này có thể truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đồng thời, muốn nhắc nhở mọi người rằng có biết bao chiến sĩ đã hi sinh xương máu để đổi lại hoà bình hôm nay. Chúng tôi muốn tri ân các anh hùng liệt sĩ, và cũng hi vọng có thể làm vơi đi những đau khổ, mất mát của thân nhân đồng đội. Và còn một mục tiêu nữa, đây là nơi cất giữ những bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ địch.
Ban đầu, ông Bảng và một số đồng đội vốn chỉ có ý định xây dựng một cái gọi là "phòng truyền thống" để những người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử gặp mặt nhau, ôn lại chuyện cũ, chia sẻ hiện tại. Tuy nhiên, khi Phòng truyền thống ra mắt thì nó đã mang vóc dáng của một bảo tàng rồi. Và các ông quyết định cùng nhau mở rộng ra, bao quát được cả những nội dung hiện vật như cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thanh niên xung phong.
Tiền không có - toàn cựu chiến binh làm gì có tiền. Ông Bảng đã có lúc phải giấu vợ, giả chữ kí của vợ để cắt một miếng đất của gia đình đi bán. Giờ kể lại ông cười mỉm, thực ra là phạm pháp chứ chả đùa. Vợ tôi cũng giận, buồn mất mấy ngày, nhưng mà tôi kiên quyết quá nên bà ấy cũng thông cảm.
Các ông đi khắp các chiến trường xưa, các nghĩa trang trên cả nước, lấy mỗi nơi một ít chân nhang mang về, dựng lên một thờ tự. Ở giữa là ban thờ bác Hồ cùng hai vị đại tướng lỗi lạc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bên phải là ban thờ các liệt sĩ hi sinh ở các chiến trường. Bên trái là ban thờ các liệt sĩ hi sinh trong các nhà tù của địch. Bên cạnh ban thờ còn có một chồng nón lá, gương lược, đó là các món đồ dành cho các nữ liệt sĩ.
Ông Bảng cũng mày mò tái hiện những khu tra tấn kinh hồn trong các trại giam, nhà tù của địch. Những dụng cụ nhìn thấy đã ghê răng, những hình người bị treo ngược, bị cùm chân, bị đánh đập máu chảy ròng ròng, khu biệt giam dành cho những tù nhân mà chúng cho rằng đặc biệt nguy hiểm...
Trong cái không gian ấy, ai ai cũng sẽ cảm thấy trái tim mình bị bóp nghẹt. Điều gì đã khiến họ có thể vượt qua tất cả những nỗi đau thân xác ghê rợn tột cùng ấy để giữ nguyên một tinh thần bất khuất kiên trung nếu không phải là lòng yêu nước, yêu giống nòi và niềm tin bất diệt vào một ngày mai chiến thắng? Chỉ có vậy thôi. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tạo ra những con người như vậy. Thời thế tạo anh hùng là vậy.
Nỗi kinh sợ những người mặc áo trắng và tiếng rên của đồng đội
Ông Lâm Văn Bảng sau khi rơi vào tay giặc thì bị giam ở trại giam tù binh Phú Quốc 4 năm, 8 tháng, 7 ngày. Ông nói, Côn Đảo là nơi chúng giam giữ những tù nhân đã thành án, bao gồm cả thường phạm. Nhưng Phú Quốc là nơi giam tù binh chưa thành án, những đối tượng nguy hiểm, và chúng gọi là trại giam tù binh chứ không gọi là nhà tù. Nghĩa là, vào Phú Quốc rồi thì đừng bận tâm đến ngày ra. Phú Quốc cũng là nơi có tới khoảng 4000 tù binh bị địch hoặc là đầu độc tập thể cho chết, hoặc là tra tấn đến chết. Cho đến nay mới chỉ tìm thấy khoảng hơn 2000 hài cốt, số còn lại vẫn đang tiếp tục tìm.
Ông Bảng nói, có một thời gian, hoà bình rồi, ông vẫn bị ám ảnh bởi những người mặc áo trắng. Hễ cứ nhìn thấy bóng người mặc áo trắng là tự dưng bủn rủn. Nỗi sợ ấy xuất phát từ kí ức về những ngày tháng nằm ở nhà thương Cộng Hoà. Nói là nhà thương nhưng xung quanh là song sắt hết.
Cơm ăn nước uống cũng đưa qua song sắt. Ông bị thương ở chân và ở tay, xương lòi cả ra. Có một nữ y tá, ông bảo "không biết nó người dân tộc gì, da đen sẫm, mỗi khi đến thay băng cho ông cô ta lại tranh thủ tra tấn ông thêm một lần nữa. Đáng lẽ trước khi thay băng người ta phải dấp nước cho nó bở rồi mới bóc băng ra. Nhưng đây không, nó là kẻ thù của mình mà, nó lấy cái panh gắp rồi giật phắt, máu phun ra. Rồi cũng cái panh ấy nó gắp bông, chọc mạnh vào vết thương. Tôi phải kéo áo lên cắn chặt, chảy nước mắt vì đau".
Cũng trong thời gian ấy, ngày ngày ông nghe bên kia bức tường những đồng đội bị thương ở sọ não rên vô thức suốt ngày đêm. Cứ trời ơi, đất ơi, cha mẹ ông bà ơi... Rồi có một trận mưa to, tắc cống, chuột bò lên cả đàn. Nó cắn. Cứ chỗ nào hở ra, chỗ nào mềm là nó cắn. Tiếng rên cứ lịm dần lịm dần rồi tắt hẳn.
Tôi hỏi ông Bảng: Người ta thường sợ nhất trên đời là cái chết. Nhưng các ông đến cái chết cũng không sợ nữa. Thế rốt cuộc thì ông có sợ gì không?
Ông Bảng nói: Điều mà chúng tôi sợ nhất là mình không đủ can đảm, bản lĩnh để chịu những đòn roi tra tấn của địch. Sợ là mình làm hoen ố nhân phẩm của mình. Xét cho cùng, ai chả sợ chết. Nhưng cái chết nó phải vinh quang. Nếu hi sinh phải hi sinh trong tư thế danh dự. Xác định được như thế rồi thì không sợ chết nữa, sẵn sàng đương đầu với kẻ địch.
Và cái sợ nữa là sợ đồng đội mất niềm tin vào mình. Anh ra bị kẻ địch đánh đau, nhưng vẫn giữ được khí tiết, về đồng đội vẫn quan tâm chăm sóc. Nhưng khi bị đánh mà anh nói sơ hở một chút thôi, ví dụ, trong này có tổ chức Đảng, thì về anh em không tin mình nữa. Mà như thế sống không bằng chết. Nhục nhã lắm.
Đào hầm vượt ngục - học kinh nghiệm của những chú... chuột
Một trong những điều thần kì nhất, đáng ngưỡng mộ nhất chính là việc các tù binh bị giam hãm, kìm kẹp, giám sát 24/24 giờ mà vẫn có thể đào những con đường hầm bí mật dài hun hút dưới lòng đất, xuyên ra bờ biển, và đã có không ít những cuộc vượt ngục thành công. Cái thời ấy, trộm nghĩ, may mà công nghệ chưa phát triển như bây giờ. Chứ nếu như chúng cứ lắp mỗi buồng giam dăm chiếc camera thì các chiến sĩ của ta cũng khó mà xoay sở.
Tôi hỏi ông Bảng một thắc mắc rất... ngây thơ là, đào hầm bí mật thì cũng hình dung sơ sơ rồi, nhưng rốt cuộc thì chỗ đất đào ra ấy, nó đỏ lừ màu đất mới, các ông đổ đi đâu khi tất cả đều bị giam ở một chỗ?
Ông Bảng nói: Ta đào theo lối chuột đào. Cái giống chuột rất thông minh. Cứ để ý mà xem, chuột nó đào hầm dài hun hút, sâu hoắm, mà có mấy khi thấy nó đùn đất ra đâu. Đấy là do đất vốn xốp. Đào đến đâu ta nén lại đến đó. Ngoài ra, trước khi đào mình nói với giám thị cho đào một hố đi tiểu. Ngăn cái hố đó thành hai tầng. Mỗi khi anh em điểm danh về thì đứng xung quanh hố giả vờ đi tiểu nhưng thực chất là túm tay thả người xuống đào. Đào đến đâu nén đất đến đó, đồng thời mang ra chỗ đi tiểu đó. Mỗi hố tiểu rộng 2m, dài 3m, sâu 2m. Đất vẫn còn dư thì đào thêm một ngách vào trong phòng để đổ đất. Thế rồi mỗi khi đi điểm danh thì mỗi người lại mang theo một túi đất nhỏ bỏ trong túi quần túi áo, ra đến nơi điểm danh thì đổ xuống xoa lẫn với cát phi tang.
Lại một câu hỏi nữa, rốt cuộc hầm đã đào xong rồi thì ai sẽ là người được ra trước? Ông Bảng nói, kỉ luật trong nhà tù rất nghiêm. Đào hầm là nhiệm vụ mà vượt ngục chui ra ngoài cũng là nhiệm vụ. Đã là nhiệm vụ thì phải có người phân công có người thực hiện. Đâu phải thích thì ra không thích thì ở lại. Tất nhiên, ai chả muốn được ra ngoài.
Điều khá thú vị là những người trực tiếp đào thì lại ... không được ra. Anh phải ở lại để... tiếp tục đào, vì anh có kinh nghiệm. Những người được ưu tiên số một là các đồng chí lãnh đạo, thứ hai là bộ đội đặc công vì họ khoẻ, dễ thoát. Những ai có đủ điều kiện để chiến đấu sau khi ra ngoài thì được ưu tiên trước nhất. Chứ những người yếu ớt, bị thương, sức khoẻ kém thì dù có chui ra khỏi đường hầm cũng rất khó để vượt qua hàng ngàn trở ngại khác khi vào đến đất liền, chưa nói đủ sức cầm súng chiến đấu tiếp.
Mọi hoạt động diễn ra bí mật trong nhà tù đều tuân thủ một thứ mà ông Bảng gọi là "Kỉ luật sắt". Có những khi để phản đối sự đàn áp của địch, tất cả các tù binh đều tuyệt thực. Hàng trăm người nằm im như chết. Mà nhà tù thì chia rất nhiều khu, nằm cách xa nhau. Địch cố tình xây dựng cách xa để tù binh ở các trại không thể liên hệ với nhau được. Tuy nhiên, ông Bảng ví von hài hước là "chúng tôi nghe nhạc hiệu đoán chương trình".
Ví dụ ngày hôm qua nhìn thấy anh em ở trại A, trại B vẫn ra vào sinh hoạt bình thường, hôm nay tự dưng im bặt, thì ngay lập tức chúng tôi hiểu rằng anh em bên ấy đang tuyệt thực để phản đối, và bên này cũng tuyệt thực theo. Những đồng chí khoẻ được cử ra nằm trước phòng, ngay cửa ra vào. Nhà tôn chỉ có 2 cửa thôi, những đồng chí khoẻ nằm đó, nếu địch đàn áp thì xông ra khống chế.
Ông nói: Con người ta khi tuyệt thực 5-7 ngày, không một hạt muối, hạt cơm, một ngụm nước thì kỉ luật là rất quan trọng. Giữa sông chết chỉ cần một người không chịu được thì cuộc đấu tranh sẽ thất bại. Mà thất bại thì kẻ địch tàn phá ghê gớm.
Có phải đồng đội của tôi đó không?
Nếu bạn đọc còn nhớ thì cách đây khoảng hơn chục năm, báo chí rộ lên câu chuyện một cô gái mất tích 1500 ngày đã tìm được gia đình, người thân. Cô gái tên là Lâm Thị Thanh Huyền đó chính là... con gái của ông Lâm Văn Bảng.
Câu chuyện có thể tóm tắt như thế này: Huyền là con gái út của ông Bảng, học rất giỏi, và được đi du học nhờ kết quả học xuất sắc. Sang Úc, Huyền bị ốm một trận rất nặng. Rồi được mẹ nuôi đưa sang Mỹ chữa trị. Khỏi bệnh, hai mẹ con đang trên đường ra sân bay để quay về Úc thì gặp tai nạn giao thông, bà mẹ nuôi qua đời. Huyền mất trí nhớ, và mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân. Lang thang làm thuê ở Mỹ, rồi làm thuê cho một bà chủ người Trung Quốc. Bà này đưa Huyền về Trung Quốc rồi đưa cô qua cửa khẩu Lạng Sơn. Huyền vẫn không thể nhớ được gì cả, đi đến đâu cô cũng hỏi mọi người "Có biết tôi là ai không?".
Rồi đến một ngày, vô cùng ngẫu nhiên Huyền có được cuốn sách mà bố cô, ông Lâm Văn Bảng đã tặng năm nào, trước khi cô đi du học. Trong khi cô đang lang thang ở Mỹ không biết mình là ai thì cuốn sách cùng với những đồ dùng cá nhân đã được gửi về Việt Nam, nhưng không đúng địa chỉ nên nó lang thang vòng vo cho đến khi gặp lại chính cô.
Trong cuốn sách có kẹp tấm chứng minh thư cũ của Huyền và số điện thoại gia đình. Nhờ đó mà cuộc đoàn tụ gây xúc động cho cả một vùng thôn quê đã diễn ra như trong mơ. Đó là một câu chuyện đầy những chi tiết kì lạ.
Sở dĩ ông Lâm Văn Bảng và tôi nhắc đến câu chuyện này là bởi vì trong thẳm sâu tâm can ông luôn tin rằng vì mình hết lòng với đồng đội đã khuất nên được phù hộ. Đồng đội phù hộ cho ông còn đủ sức khoẻ, sự minh mẫn để tiếp tục duy trì hoạt động của bảo tàng cho dù rất vất vả, khó khăn. Đồng đội phù hộ để ông có thể tìm thấy cô con gái mà nhiều lúc ông bà đã rơi vào tuyệt vọng trong quá trình tìm kiếm.
Ông Bảng nói, ông tin là đồng đội luôn ở bên cạnh ông. Mỗi khi ông đi đâu đó ít ngày, khi trở về nhà là thấy có những chú bướm quẩn quanh bên cạnh. Ông hỏi khẽ: Có phải đồng đội của tôi đấy không? Những chú bướm lại quấn quýt đậu lên vai, lên tay ông. Ông nói, là anh em nhớ tôi đấy. Thế nên đi đâu cũng mau mau chóng chóng xong việc để về nhà lo nhang khói.
Hàng ngày, ông Bảng và anh chị em ở bảo tàng trước mỗi bữa ăn đều chuẩn bị hai chén, hai bát, ăn gì cúng nấy, dâng lên ban thờ các liệt sĩ. Ông Bảng nói, nếu mà nhỡ quên không cúng thì tự nhiên bữa ấy cơm nát như cháo. Mỗi khi các gia đình thân nhân liệt sĩ đến dâng hương, nếu gia đình nào chưa tìm thấy hài cốt là biết ngay.
Cũng có những chuyện kì lạ như cả đoàn phật tử đi lễ ở Đền Hùng về, ngang qua đoạn đường ngầm dẫn vào xã Nam Quất thì xe tự dưng chết máy. Cả đoàn biết được ở đây có một bảo tàng đặc biệt thì để xe đấy dẫn nhau vào thắp hương. Cho đến lúc quay ra, thợ sửa xe chưa đến, lái xe vẫn đang loay hoay chưa biết làm thế nào, thì đột nhiên xe lại nổ máy được. Rồi cũng có những người lúc đến có vào đền thờ dâng hương, nhưng sau khi tham quan quay ra thì quên mất. Ông chồng hì hục lùi mãi không đưa được chiếc xe ra khỏi ngõ. Ông Bảng mới hỏi, thế lúc nãy đã chào các bác chưa? Chị vợ mới nhớ ra là quên mất chưa chào. Đầu đuôi xong xuôi thì đâu lại vào đấy.
Ông Bảng nói, những chuyện này tôi kể ra thì có khi nhiều người bảo tôi bịa, hoặc cho là chỉ là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng thực sự là nó diễn ra nhiều lần, ở nhiều tình huống, hoàn cảnh, đối tượng.
Tấp chăn bông lên mái nhà, phun nước để chống nóng
Chiến tranh kết thúc, ông Bảng nhiều lần quay lại Phú Quốc để tìm hài cốt đồng đội. Có lần, ở một hố chôn tập thể các ông tìm thấy hàng nghìn hài cốt. Ở trong bảo tàng còn lưu giữ cả những viên đá mà các ông lấy về từ nơi tìm thấy đồng đội. Kẻ địch đã đào những hố chôn mỗi gần chục mét, sâu năm bảy mét. Anh em được chúng cho ăn một bữa ngon mà không hề biết rằng trong thức ăn có thuốc độc. Khi tất cả gục xuống, chúng gạt xuống hố. Cứ một lớp người là chúng ủi xuống một lớp đá. Lại thêm lớp người nữa, ủi thêm lớp đá nữa, đến khi đầy hố thì thôi.
Chiến tranh, sống chết chỉ là chuyện gang tấc. Ra đi không thể tính đến ngày về. Có điều, người đi thì đã đi rồi, người còn sống mới thực sự không thể ra khỏi cuộc chiến với những ám ảnh nặng nề về tinh thần. Có một người phụ nữ, khi ông Bảng mới thành lập được bảo tàng chưa lâu, bà tìm đến thắp hương.
Mấy chục năm trước, chỉ sau khi cưới đúng một ngày, tức là bà chỉ mới có đúng một đêm làm vợ, thì chồng bà vào chiến trường. Rồi ông không bao giờ trở về nữa. Bà ở vậy chăm sóc bố mẹ chồng, bố mẹ chồng già yếu, ốm đau, qua đời. Tức là khi bà hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, người con dâu thì cuộc đời đã vào lúc xế chiều. Năm nào bà cũng đến bảo tàng, chỉ vì ở đây bà cảm thấy ấm áp hơn, được an ủi phần nào.
Ông Bảng nói, còn sống ngày nào tôi còn làm việc ngày đó. Tuy nhiên, nay tôi cũng cao tuổi rồi, tôi chỉ trăn trở làm sao giữ được những hiện vật này lâu dài vì chúng đều là vô giá. Ví dụ lá cờ Đảng bằng máu chỉ ở đây có, hay là những cái răng của anh em tù binh bị chúng đục, nhưng cái roi cá đuối, nhưng bài thơ gốc, làm cách nào để giữ?
Mỗi năm chúng tôi được thành phố hỗ trợ 250 triệu, thực tế không đủ cho chi phí các loại. Cũng phải gói ghém thôi. 12 anh chị em làm việc theo 3 ca ở đây đều là thiện nguyện. Tôi thấy có lỗi với anh chị em. Tôi cũng thấy có lỗi với khách đến tham quan mà trong đó nhiều nhất, thương nhất là thân nhân, gia đình các liệt sĩ. Những hôm trời nắng nóng, có bao nhiêu chăn bông tôi cho tấp hết lên mái nhà, phun nước lên, nhưng cũng không ăn thua. Bao nhiêu con người già có trẻ kiên nhẫn đứng trong cái nóng như nung, thực sự tôi không cam lòng.
Tôi, người viết bài này, nói với ông Lâm Văn Bảng rằng, cháu không dám hứa trước điều gì, nhưng cháu sẽ cố gắng cùng với bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc gom góp để giúp bác làm được cái mái nhà chống nóng. Mà cũng không hẳn là giúp bác, mà là tấm lòng dành cho những người đã khuất và thân nhân của họ. Chứ những người như bác, trước đòn roi kinh khiếp của kẻ thù còn chẳng hề nao núng, nóng nực có là gì. Phải không ạ?
Ông Bảng im lặng, khẽ gật đầu. Tháng Bảy này, nắng chói chang hơn, lòng người cũng trĩu nặng hơn.
Nhà vănĐỗ Bích Thuý
Bạn đọc có tấm lòng muốn đóng góp cho Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày có thể chuyển khoản trực tiếp cho tác giả bài viết là nhà văn Đỗ Bích Thuý.
Tác giả và đại diện toà soạn sẽ trực tiếp mang đến bảo tàng, dâng lên ban thờ các liệt sĩ vào đúng ngày 27/7/2020.
Đỗ Thị Bích Thuý
12810000027841, ngân hàng BIDV, chi nhánh Chương Dương