Vực dậy khối C: Thay đổi từ gốc
Ít trường đào tạo, khó xin việc, lương thấp, xã hội đánh giá không cao… là những lý do khiến các ngành khoa học xã hội giờ đây không hút thí sinh, thậm chí có thể nói là “rớt giá thê thảm” từ năm này qua năm khác.
Nói như GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, sự thất thế của khối C tuy chưa phải là đã đến đáy nhưng “đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề”. Bởi điều này sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất khủng khiếp về giá trị nhân văn.
Báo Đại Đoàn Kết trong loạt bài này muốn góp một tiếng nói trong việc xóa bỏ dần những định kiến của xã hội nói chung và một bộ phận học sinh về các môn học xã hội.
Bài 1: Học sinh ban C - hiếm như lá mùa thu
Việc mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) lại vắng bóng thí sinh ban C dễ dàng lý giải là vì ngay từ khi phân ban vào lớp 10, ở nhiều trường số lượng học sinh (HS) đăng ký ban C ít đến đáng thương, đến mức nhà trường không mở lớp hoặc nếu có cũng chiếm tỷ lệ cực ít so với ban khoa học cơ bản hoặc khoa học tự nhiên.
Từ nguyện vọng phân ban…
Năm học 2020-2021, Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) tuyển sinh lớp 10 theo kết quả học bạ và kết quả tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GDĐT Hà Nội năm 2020. Theo đó, HS phải xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá trở lên và đã học tiếng Anh ở cấp THCS mới đủ điều kiện xét tuyển.
Sau đó, trường sẽ tính điểm xét tuyển dựa theo ban học mà học sinh chọn. Cụ thể, trường chia các lớp thành ba ban. Ban A với ba môn Toán, Lý, Hóa được học nâng cao và chuyên sâu; ban A1 là Toán, Vật lý, Tiếng Anh; ban D là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Khi đi làm công tác tuyển sinh, lãnh đạo nhiều trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Trước đây khi có chủ trương phân ban HS ngay từ khi vào lớp 10, nhiều năm nhà trường gom mãi không nổi một lớp theo ban khoa học xã hội. Cách khắc phục là một vài em đăng ký chọn ban này thì nhà trường xếp vào ban cơ bản học nâng cao Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Và càng những năm sau này, ban khoa học xã hội gần như bị xóa sổ.
Tới những năm gần đây, việc phân ban trong các trường phổ thông không còn rõ nét song định hướng của gia đình và nhà trường vẫn chủ yếu tập trung vào học các môn khoa học tự nhiên (nếu HS bộc lộ rõ thế mạnh ở các môn học thuộc lĩnh vực này) hoặc học tốt các môn cơ bản sau đó tới năm lớp 12 mới tập trung xác định rõ năng lực, nguyện vọng của bản thân sẽ chọn ngành nào, trường nào để xét tuyển vào ĐH.
Khi đó, HS sẽ chọn những môn học nâng cao phù hợp với khối thi ĐH dự kiến. Cách tư vấn này của nhà trường được phần lớn phụ huynh và HS đồng tình do khi mới vào lớp 10, các em có thể chưa rõ mong muốn của bản thân về nghề nghiệp sau này.
Nếu theo học chuyên sâu các môn khoa học xã hội, cơ hội chuyển đổi sang các khối khác sẽ khó hơn rất nhiều nên ít người học theo học ban khoa học xã hội là vì vậy.
…Đến thi thế nào, HS học thế đó
Đây là thực tế tồn tại lâu nay của giáo dục nước ta và cũng là câu chuyện chung của nhiều nền giáo dục khác trên thế giới như chia sẻ của PGS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trong một lần bàn về đổi mới giáo dục của Việt Nam, PGS Trần Kiều từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền này. Chính vì vậy, Bộ GDĐT luôn loay hoay về việc thi cử”.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 ở Hà Nội, khi môn thi thứ 4 là Lịch sử được công bố, nhiều thí sinh đã rất lo lắng vì không biết sẽ ôn tập thế nào do kiến thức cần phải nhớ rất nhiều so với các môn học khác.
Nhìn lại các kỳ thi, khi còn phương thức thi theo môn, ngoài các môn thi bắt buộc, các môn Lý - Hóa luôn có tỷ lệ đăng ký nhiều nhất, trong khi các môn Sinh - Sử - Địa luôn ở cuối bảng. Năm 2014, khi HS được quyền chọn một số môn thi tốt nghiệp THPT, có những trường mấy trăm HS mà không có thí sinh đăng ký thi tự chọn môn Lịch sử.
Song từ khi chuyển sang bài thi tổ hợp, tình thế đã đảo ngược. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp khoa học xã hội học (Sử - Địa - Giáo dục công dân) là 498.516, chiếm 55,38% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
So sánh với các năm trước, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 có 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi khoa học xã hội; năm 2018 tỉ lệ này là 48% và năm 2019 là gần 53%, chưa kể số thí sinh chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp.
Liệu việc có đông thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội có phải là tín hiệu vui cho ngành khoa học xã hội? Có phải đã nhiều học sinh yêu thích các môn khoa học xã hội hơn, đặc biệt là môn Sử?
Theo phân tích của một số giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, nhìn vào phổ điểm thi các năm trước, nhiều HS lựa chọn môn khoa học xã hội vì tư tưởng thực tế. Dù điểm thi môn Lịch sử vẫn thấp đến mức đáng báo động thì khi cộng điểm thành phần ba môn Sử - Địa - Giáo dục công dân, điểm bài thi của thí sinh vẫn đảm bảo đủ điều kiện xét tốt nghiệp do điểm môn Giáo dục công dân, môn Địa gánh đỡ được cho môn Sử.
Cô giáo Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng việc xét tuyển ĐH sau này có thể dùng nhiều phương thức khác như xét tuyển bằng học bạ nên mục tiêu trước mắt của thí sinh là cần đỗ tốt nghiệp THPT, sau đó mới tính tiếp.
Nếu đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh sẽ hạn chế được điểm liệt vì với những câu hỏi thuộc lĩnh vực xã hội, có thể đoán “mò” kết quả. Thống kê từ thực tế, trong số thí sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, mà không đăng ký xét tuyển ĐH thì phần đông đều chọn bài thi khoa học xã hội.
Như vậy, đây cũng chỉ là sự lựa chọn khi đi thi cho đỡ rủi ro thay vì xuất phát thực tâm từ sự yêu thích môn học, say mê tìm hiểu nó. Học chỉ để đi thi thì thi xong, chắc quá nửa kiến thức sẽ không cánh mà bay nên “dân ta phải biết sử ta” thực sự là một thách thức với nhiều HS hiện nay nói riêng và nhiều người Việt nói chung.
(Còn nữa)