Khơi dậy sức dân để giảm nghèo bền vững

NGUYỄN QUỐC 20/07/2020 10:00

Những năm qua, nhờ sử dụng tốt các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, cộng với việc lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ có hiệu quả, công tác giảm nghèo tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.

Nhiều hộ dân tại huyện miền núi A Lưới đã vươn lên thoát nghèo.

A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi đây tập trung đại đa số người đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện luôn ở mức cao nhất của cả nước.

Tuy nhiên, bằng nhiều chương trình, giải pháp cụ thể, trong 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020) tỷ lệ hộ nghèo ở huyện A Lưới đã giảm xuống theo từng năm. Nếu như năm 2016, toàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo với 17.784 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 35,04%, đến đầu năm 2020, toàn huyện còn 2.585 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5%.

Trong 5 năm qua, hoạt động giảm nghèo tại huyện A Lưới được triển khai đồng bộ, sử dụng tốt các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ tỉnh, huyện với các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, huyện A Lưới còn chủ động gắn Chương trình giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang hiệu quả cao.

Để có được những kết quả trên, ngoài việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện A Lưới còn thường xuyên vận động, khơi nguồn giảm nghèo từ chính nhận thức của người dân, đặc biệt người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Lê Văn Sơn (trú tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới) cho biết, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2019, nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, cũng như được sự động viên, quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và MTTQ Việt Nam các cấp, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để mở xưởng chế biến lâm sản. Đến nay, nhờ chịu khó làm ăn xưởng gỗ của gia đình anh hoạt động rất hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo bền vững.

“Từ ngày xưởng cưa đi vào hoạt động đến nay, thu nhập của gia đình ổn định hơn, trung bình 1 tháng thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình ngày được cải thiện, con cái học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn”- anh Sơn tâm sự.

Ông Hồ Văn Rao- Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, thời gian qua, trong công tác giảm nghèo, chính quyền đã kết hợp nhiều nguồn lực, trong đó có Chương trình nguồn vốn 135, công tác đào tạo để đi xuất khẩu lao động.

Cùng với đó, huy động các đơn vị đỡ đầu theo Quyết định 235 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã từng bước thoát nghèo bền vững, vượt khó vươn lên.

Ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện A Lưới cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm tại huyện A Lưới tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo ông Tĩnh, thời gian tới đối với những hộ dân cần giống, cần nguồn vốn… huyện sẵn sàng hỗ trợ và các ban, ngành tạo điều kiện. “Điều quan trọng là phải đầu tư hợp lý, với những hộ tích cực và có khả năng thoát nghèo huyện sẽ quan tâm, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, qua các hộ này sẽ là những tấm gương để các hộ gia đình khác làm theo”, ông Tĩnh cho biết.

NGUYỄN QUỐC