Nắng nóng dữ dội: Cá chết, đồng khô, hồ hết nước

Điền Bắc-HẠNH NGUYÊN 20/07/2020 10:01

Suốt những ngày qua, nắng nóng như dội lửa xuống Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đó là hiệu ứng phơn khiến cho bầu không khí càng thêm bức bối. Nơi đâu cũng là cảnh ruộng đồng héo úa, trong khi hệ thống hồ chứa nước cũng đã gần cạn kiệt.

Những cánh đồng Nghệ An, Hà Tĩnh héo khô. Ảnh: H.Nguyên.

Đối với Nghệ An lúc này cái duy nhất để cứu cây trồng là huy động các máy bơm dã chiến để bơm tưới. Còn tại huyện miền núi Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, hơn 50 ngày qua không có giọt mưa. Nền nhiệt ở đây luôn ở mức cao từ 35-40 độ C, có ngày đạt đỉnh 43 độ C.

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, hàng nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Lúa thiếu nước, ngô, đậu chết cháy, bưởi héo úa... người dân Hương Khê phải đối mặt với một năm mất mùa.

Nghệ An: 95/96 hồ cạn nước

Theo thông tin từ Sở NNPTNT Nghệ An, đến thời điểm này tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước của Nghệ An đã lên tới trên 11.213 ha, trong đó, diện tích lúa hơn 8.972 ha (5.554 ha hạn nặng); cây rau màu các loại 1.562 ha, cây chè 298 ha và 381 ha cây ăn quả.

Còn thống kê từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tính đến giữa tháng 7, trong số 96 hồ ở Nghệ An do doanh nghiệp quản lý chỉ có 1 hồ đầy nước. Với 965 hồ chứa nhỏ do xã và hợp tác xã quản lý đều chỉ đạt 50-65% dung tích thiết kế. Mực nước tại các công trình đầu mối hồ thủy điện Bản Vẽ và hồ Khe Bố hầu hết thấp hơn mực nước thiết kế.

2 huyện ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Nghệ An là Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Huyện Nghi Lộc đã có gần 3.000 ha lúa bị hạn, trong đó gần 900 ha hạn nặng, đang dần chết cháy. Còn tại Hưng Nguyên, có 1.500 ha lúa bị hạn, trong đó 800 ha hạn nặng, 400 ha có nguy cơ chết cháy.

Có mặt tại xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên), xã Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc (huyện Nghi Lộc), trước mắt chúng tôi là những cánh đồng bạc trắng, nứt nẻ. Nắng hạn khiến cây mạ không thể sinh trưởng, lưa thưa, xơ xác. Nhìn đám ruộng héo hoắt, nứt nẻ vì hạn, ông Nguyễn Văn Thắng (xã Hưng Yên Bắc) thở dài, hơn 2 tháng rồi, trời không mưa, nắng gay gắt, hồ dập hết nước, duy chỉ con mương này còn ít nước để bơm. Gần nửa tuần nay, huy động để cứu lúa nhưng vẫn không ăn thua, cứ đà này đến cuối tháng 7 chắc hơn 7 sào lúa không sống nổi.

Tại huyện Đô Lương, nắng nóng kéo dài trong hơn 2 tháng qua đã làm cho hệ thống hồ, đập trên địa bàn huyện cạn kiệt nước, hàng trăm ha đất lúa thiếu nước không thể gieo cấy và nhiều diện tích lúa đã gieo cấy bị khô héo. Đơn cử như tại 2 xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây hơn 2 tháng không mưa, kéo theo nắng nóng khốc liệt đã khiến cho hàng trăm ha lúa bị cháy héo, các diện tích hoa màu chuyển đổi cũng đã bị rũ do nắng đỉnh điểm.

Trong khi đó, tại các xã miền núi Quang Thành, Tây Thành (huyện Yên Thành) do thiếu nước sinh hoạt, nên đã phải khoan vội nhiều giếng cũ, đào sâu thêm nhưng cũng không hiệu quả. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại thôn Đông Nam, xã Quang Thành), gần 1 tháng nay do giếng đào của gia đình anh đã cạn nước nên vào buổi chiều phải gánh thùng để đi xin nước.

“Năm nay là năm hạn hán chưa từng có, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong thôn đã phải đi xin nước từ lâu”- anh Tuấn nói.

Còn anh Trần Quang Đồng (một người chuyên chở nước cho các hộ dân nơi đây) cho biết, anh có chiếc xe vốn chủ yếu dùng để chở vật liệu, tuy nhiên cứ đến mùa hè lại được chuyển sang xe chuyên dụng chở nước cho người dân, với 50 – 100 ngàn đồng cho chi phí vận chuyển.

Người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vất vả tìm nước trong những ngày nắng nóng. Ảnh: H.Nguyên.

Được biết, tại xã Quang Thành hiện có 985/1895 (chiếm 52%) số hộ thiếu nước sinh hoạt. Có 3 trường học, 1 trạm y tế đến nay không có nước để phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và công tác khám chữa bệnh.

Đây là tình trạng chung của người dân Nghệ An suốt mấy tháng qua, bởi trên các cánh đồng thuộc tỉnh Nghệ An từ miền xuôi đến miền núi do thiếu mưa, không có nước về làm cho đất khô nứt nẻ. Người dân chỉ còn biết trông chờ vào ông Trời mưa xuống để có nước cứu cây trồng, vật nuôi. Nhưng biết đến bao giờ vì theo cơ quan khí tượng thủy văn, nơi đây vẫn tiếp tục phải chịu đựng thêm một đợt nắng nóng gay gắt trong tuần tới này..

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo phải tạo được nguồn nước bằng các bara đầu vào và điều tiết nguồn nước từ các thủy điện. Công ty Thủy lợi Nam phải phân công trực 24/24 để mở cửa đón nước tạo nguồn khi nước lên cũng như chặn lại, giữ nước khi nước xuống.

Đồng thời, rà soát các trạm bơm để có giải pháp tạo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, tích cực tưới nếu có nguồn nước; phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương, huy động các máy bơm dã chiến để bơm tưới cứu các diện tích lúa đang bị khô hạn. Tập trung nạo vét, khơi thông các dòng chảy để các trạm bơm hoạt động hiệu quả cứu lúa.

Nhưng khó vẫn hoàn khó.

Hương Khê (Hà Tĩnh): 20/21 xã thiếu nước

Tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) hơn 50 ngày nay không có giọt mưa nào (một số xã có mưa nhưng không thấm đất, kèm theo cả lốc xoáy). Nền nhiệt ở đây luôn ở mức cao từ 35-40 độ C, có ngày đạt đỉnh 43 độ C. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, hàng nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Lúa thiếu nước, ngô, đậu chết cháy, bưởi héo úa... người dân Hương Khê phải đối mặt với một năm mất mùa.

Ghi nhận của PV tại các khu vực xã Hương Thủy, Hương Giang, Phúc Trạch... đã xảy ra tình trạng cây bưởi đặc sản Phúc Trạch héo úa, vàng khô, bưởi rụng quả. Đặc biệt, tại xã Hương Lâm, Hương Liên, Hương Thủy nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, nhiều hộ dân bỏ hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng cũng không mấy khả thi. Người dân phải đi gánh từng thùng nước về sử dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ- Chủ tịch xã Hương Thủy cho biết, nắng nóng kéo dài đã khiến gần 60ha ngô bị cháy, không thể trổ bông, mất trắng hoàn toàn. “Đáng lo ngại nhất là hiện nay nhiều diện tích bưởi Phúc Trạch bắt đầu xảy ra tình trạng khô, héo, chết, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài sẽ không thể cứu vãn được. Riêng đối với lúa Hè Thu, có khoảng 70-80ha lúa không thể gieo trồng được do không có nước tưới tiêu, ngoài ra một số khu vực đã gieo trồng cũng xảy ra tình trạng nứt nẻ”- ông Thọ nói.

“Nắng nóng năm nay xảy ra sớm, bắt đầu từ tháng 3 đến nay. Hiện tại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã thiếu nước sạch. Như gia đình tôi, mỗi ngày phải gánh 6 lần nước từ nhà khác về để sinh hoạt, nấu ăn. Còn riêng nước để tưới cho bưởi, rau trong vườn không còn nên nhiều cây đã bị héo và nguy cơ chết”- ông Phan Văn Lý (60 tuổi trú thôn 9, xã Hương Thủy) cho hay.

Anh Lê Đình Hoàn (trú huyện Hương Khê) bên gốc bưởi đã héo khô do nắng nóng kéo dài. Anh Hoàn cho biết, gia đình trồng 200 gốc bưởi, trong thời gian qua, nước ao hồ đã cạn kiệt, nước sinh hoạt cũng thiếu, mới đây, anh phải bỏ hơn 20 triệu để khoan thêm giếng nhưng nước cũng chỉ đủ sinh hoạt, không có để phục vụ tưới cây.

Những gì còn sót lại. Ảnh: Đ.Bắc.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Khê chia sẻ, nắng nóng, hạn hán ở đây hết sức căng thẳng. Sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Toàn bộ diện tích 1.700 ha ngô, đậu mất trắng do chết cháy; hơn 400 ha lúa thiếu nước, và với tình hình nắng hạn như thế này chắc chắn năng suất lúa sẽ rất thấp.

Hương Khê là địa bàn có thế mạnh cây ăn quả có múi nhưng năm nay, hơn 1.500 ha cam, bưởi thiếu nước trầm trọng, trong đó có 100 ha (60 ha cam, 40 ha bưởi) đã chết. “Với cây cam, năm nay chỉ hy vọng cứu cây sống sót qua mùa chứ không hy vọng gì đến việc thu hoạch”- ông Vinh lo lắng.

Đáng nói, hiện nay tất cả hồ, đập của huyện Hương Khê đã cạn trơ đáy, chỉ còn 2 hồ do Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý (hồ Khe Trảy ở xã Lộc Yên và đập dâng Sông Tiêm ở xã Phú Gia) là còn nước tưới nhưng cũng chỉ còn rất ít. Đặc biệt, 20/21 xã, thị trên địa bàn huyện Hương Khê với gần 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Trong đó, nhiều nhất là xã Hương Thủy với 1.200 hộ, Hương Long có 620 hộ… Để khắc phục, người dân phải đi xin nước ở các hộ dân có giếng khoan hoặc đầu tư hàng chục triệu đồng để mua đường ống dẫn nước từ các khe suối về dùng. Nhiều hộ phải sử dụng nước ao hồ tù đọng để sử dụng qua ngày.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy được 44.250 ha lúa và 7.437 ha cây trồng cạn. Hiện cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái; cây trồng cạn sinh trưởng, phát triển thân lá; cam, bưởi đang trong giai đoạn phát triển quả.

Về tình hình hạn hán, Hà Tĩnh có khoảng 400 ha lúa không đủ nước tưới (các vùng cuối kênh); 1.220 ha cam, bưởi (chủ yếu ở Hương Khê) thiếu nguồn nước tưới; 1.942 ha cây trồng cạn bị ảnh hưởng, sinh trưởng kém; 575 ha chè bị cháy lá.

Điền Bắc-HẠNH NGUYÊN