Giao thông đường thủy rục rịch chuyển mình
Theo kế hoạch, ít tháng tới hệ thống giao thông đường thuỷ ở TP HCM sẽ tăng mạnh.
Cụ thể, tuyến buýt đường sông số 2 bến Bạch Đằng - Lò Gốm (hoạt động năm 2021), tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu cũng sẽ đưa vào khai thác tháng 9/2020. Thực tế tuyến phà biển này đã được triển khai sớm hơn (4/2020) nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị trì hoãn. Đây là tuyến phà không chỉ giúp thúc đẩy vận tải hành khách ở khu vực huyện Cần Giờ mà còn giúp nhiều phương tiện ở Long An, Tiền Giang, các quận trung tâm TP HCM.
Theo đó, việc di chuyển từ các địa phương trên tới TP.Vũng Tàu, trung tâm du lịch phía Nam luôn có nhu cầu nhiều nhưng ngày càng khó khăn. Ngoài chi phí cao (phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, phí BOT quốc lộ 51) thì tình trạng ùn tắc, kẹt xe cũng diễn ra ngày một nhiều.
Việc đưa vào hoạt động tuyến phà đường biển cộng thêm một số công trình hạ tầng đã hoàn thiện trong khu vực như (cầu Mỹ Lợi, quốc lộ 50, phà Cần Giuộc…) sẽ giúp các phương tiện ở khu vực này di chuyển thuận lợi hơn. Không chỉ phương tiện cá nhân mà xe khách loại nhỏ cũng có thể di chuyển với lộ trình thuỷ - bộ xen kẽ này.
Theo đại diện Sở GTVT TP HCM, việc đầu tư hạ tầng đường thuỷ ít tốn kém hơn so với đường bộ rất nhiều. Thống kê, hiện TP HCM có 94 tuyến đường thuỷ có thể khai thác vận tải hành khách với tổng chiều dài gần 600km. Tuy nhiên, mới chỉ có chưa tới 10 tuyến đường thuỷ (chủ yếu trên sông Sài Gòn) được khai thác.
Cũng theo Sở GTVT TP HCM, thời gian tới thành phố sẽ không chỉ phát triển giao thông đường thuỷ ở khu vực nội đô mà còn phát triển các tuyến đường thuỷ kết nối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án mở tuyến đường thuỷ kết nối TP HCM với Bến Tre, Tiền Giang hay Trà Vinh, Sóc Trăng…
Doanh nghiệp cũng cho biết, dự kiến mức giá vé vận tải đường thuỷ sẽ thấp hơn từ 10 tới 60% giá vé vận tải đường bộ cùng một lộ trình. Đây cũng là điều kiện giúp các phương tiện đường thuỷ có thể phát triển trong thời gian tới.