Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Chậm chuyển đổi mô hình, vì sao?
Dù đã có quyết định chuyển đổi sang mô hình tư thục từ tháng 6/2019, tuy nhiên một bộ phận điều hành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD&CN Hà Nội) vẫn cố tình trì hoãn, nhằm loại bỏ những cổ đông tâm huyết, vốn là các nhà giáo tâm huyết, đã bỏ tiền đầu tư xây dựng trường từ ngày thành lập cách đây hàng chục năm.
Chậm chuyển đổi mô hình
Với mong muốn phát triển nền giáo dục đa dạng, năm 1994 một số cá nhân tâm huyết đã đứng ra góp vốn thành lập Trường ĐH Dân lập Kinh doanh.
Ngày 13/10/1994, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Quyết định số 2943/GD-ĐT công nhận Hội đồng sáng lập Trường ĐH Dân lập Kinh doanh gồm 21 thành viên do Giáo sư Trần Phương làm Chủ tịch.
Ngày 15/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ra QĐ số 405/TTg cho phép thành lập Trường ĐH dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội và đến năm 2006, đổi tên thành Trường ĐH KD&CN Hà Nội.
Từ khi thành lập trường đến nay, trường hoạt động theo phương thức không vì lợi nhuận thuộc loại hình trường ĐH dân lập, các cổ đông được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Theo Luật giáo dục Đại học, từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận được tính bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Theo phản ánh của ông Lại Việt Hùng (cổ đông tham gia góp và hiện là Ủy viên Hội đồng Quản trị) cho biết, ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 671/QĐ- TTg cho phép chuyển đổi Trường ĐH KD&CN Hà Nội từ loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục.
Sau khi Thủ tướng ban hành quyết định chuyển đổi loại hình, lẽ ra Trường ĐH KD&CN Hà Nội phải tiến hành các bước chuyển đổi theo quy định, như: Soạn thảo Điều lệ trường ĐH tư thục mới, thực hiện kiểm toán, chốt tài sản, minh bạch tài chính... tiến hành đại hội cổ đông, thành lập Hội đồng trường, bầu Ban kiểm soát, Ban Giám hiệu theo mô hình trường “Đại học tư thục” và xây dựng mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp.
Thế nhưng, đã hơn một năm trôi qua, đến nay Trường ĐH KD&CN Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cơ chế cũ đó là hoạt động phi lợi nhuận theo Quy chế tổ chức và hoạt động năm 2016 và hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Việc duy trì cơ chế cũ đã tước bỏ quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông.
Trước đó, ngày 29/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg cho phép 19 trường ĐH dân lập (trong đó có Trường ĐH KD&CN Hà Nội) chuyển sang loại hình trường ĐH tư thục nhưng trường chưa thực hiện. Đến thời điểm ngày 5/5/2017, Bộ GD&ĐT có công văn số 1882/BGDĐT-TCCB yêu cầu Trường ĐH KD&CN Hà Nội làm thủ tục chuyển đổi và có hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi.
Ngày 12/12/2018, Trường đã có tờ trình số 812/TTr-HĐQT gửi Bộ GD&ĐT về việc đề nghị chuyển đổi trường sang loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Đến ngày 25/3/2019, Bộ GD&ĐT có công văn số 766/BGDĐT-TCCB trả lời trong đó có nội dung: “Việc công nhận trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục”.
Do lợi ích nhóm…?
Trước sự chậm trễ nêu trên, một số cổ đông Trường ĐH KD&CN Hà Nội đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng làm rõ hành vi của “nhóm lợi ích” tại đây.
Theo một số cổ đông, tất cả các chức danh Ban Giám hiệu hiện tại đều do chỉ định, không được bầu bởi đại hội cổ đông, chưa được UBND TP Hà Nội công nhận. Do đó, mọi hoạt động của Ban Giám hiệu hiện nay theo qui định của pháp luật là chưa hợp pháp.
Ông Lại Việt Hùng (một cổ đông) phản ánh, lợi dụng việc Giáo sư Trần Phương lớn tuổi, đang bị bệnh, một số người trong trường đã sử dụng mẫu chữ ký được đúc sẵn của ông để lập hồ sơ gửi lên Bộ GD&ĐT xin chuyển từ trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục không vì mục đích lợi nhuận, nhằm mục đích thao túng hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận tích lũy. Tuy nhiên, vụ việc không đạt được như mong muốn vì hồ sơ gửi đi không hợp lệ.
Trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận sẽ hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức. Phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học... trong khi trường ĐH tư thục hoạt động như một doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, đây là lý do mà “nhóm lợi ích” cố tình chuyển từ trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận thay vì trường ĐH tư thục theo quyết định của Thủ tướng, để nhằm gạt bỏ quyền lợi hợp pháp, đóng góp của các nhà đầu tư (cổ đông) ra khỏi trường và thu lợi trái phép.
Trở lại với QĐ số 671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi Trường ĐH KD&CN Hà Nội từ loại hình từ dân lập sang tư thục và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, trong đó quy định thời gian phải thực hiện việc chuyển đổi, thành lập, công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường phải xong trước ngày 15/8/2020.
Tuy nhiên, Ban Giám hiệu Trường ĐH KD&CN Hà Nội lại lập ra hàng loạt tổ chức gọi là “Ban trù bị”, “Nhà đầu tư là cổ đông sáng lập”, “Hội đồng thư ký”, “chi phí vốn”… và tất cả đều theo hướng trường “Đại học tư thục không vì lợi nhuận”.
Theo ông Hùng, chính sự đánh tráo khái niệm của Ban Giám hiệu Trường ĐH KD&CN Hà Nội, sự không minh bạch, đã gây thiệt hại lớn đến các cổ đông sáng lập và đó là lý do mà các cổ đông sáng lập đề nghị cơ quan chức năng sớm can thiệp để trả lại quyền lợi hợp pháp của mình.
Nhận định về sự việc nêu trên, luật sư Lê Minh Thắng, Giám đốc Công ty Luật KAC cho rằng, những gì đang diễn ra tại Trường ĐH KD&CN Hà Nội có thể xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong công tác thu, chi.