Chuyên gia Mỹ: Đê điều của Trung Quốc làm trầm trọng lũ lụt

20/07/2020 11:00

El Nino và dải mây Mai Vũ gây mưa lớn, trong khi hệ thống đê điều sát bờ cùng dân cư đông khiến nước sông Trung Quốc dâng cao hơn, theo giáo sư Mỹ David Shankman.

Thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngập trong nước lũ ngày 17/7. Ảnh: Reuters.

Từ giữa tháng 6 đến nay, các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc hứng chịu một trong những đợt lũ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Mực nước tại hơn 430 con sông đạt mức nguy hiểm, trong đó 33 sông đạt mức kỷ lục. Ít nhất 150 người chết và mất tích, buộc gần 15 triệu người phải sơ tán chỉ tính trong tháng 7. Thiên tai ảnh hưởng đến 27 trong số 31 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc, với hơn 38 triệu người, thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ USD.

Giáo sư David Shankman, Khoa Địa lý, Đại học Alabama, Mỹ, người có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về lũ lụt ở Trung Quốc, cho rằng hiện tượng El Nino diễn ra vào mùa đông làm thay đổi vị trí của Mai Vũ, khiến nó "đứng" ở miền nam Trung Quốc, gây ra lượng mưa lớn. Mai Vũ là đường ranh giới giữa khí lạnh khô ở miền bắc và khí ẩm nóng ở miền nam. Trong những năm khác, khi không có El Nino, Mai Vũ sẽ ở vị trí khác.

Shankman lưu ý miền nam Trung Quốc, nơi có sông Trường Giang, cứ sau vài năm lại có mưa rất lớn vào mùa hè, thường xảy ra sau khi có El Nino mùa đông. Hiện tượng này gây ra mưa nhiều hơn ở miền nam và ít mưa hơn ở miền bắc.

Theo giáo sư Shankman, khi mưa lớn kỷ lục, nước sông sẽ dâng lên và phải đổ vào đâu đó, thường là tới các vùng bãi bồi, những khu vực nằm dọc hai bên bờ sông thường xuyên khô ráo quanh năm. Tuy nhiên, ở một quốc gia đông dân như Trung Quốc, rất nhiều người sống ở các vùng bãi bồi ven sông. Sau trận lụt lịch sử năm 1931 và đợt lũ lụt nghiêm trọng năm 1998 khiến hơn 2.000 người chết và gần ba triệu ngôi nhà bị phá hủy, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng hệ thống đê điều dọc các vùng bãi bồi gần sông Trường Giang để bảo vệ người dân và mùa màng.

"Đây lại là một vấn đề. Những khu vực này được đê điều bảo vệ và không bị ngập lụt nữa. Nhưng đê điều lại khiến nước sông không chảy được đi đâu nữa và dâng lên cao hơn", ông nói.

Shankman cho hay các đồng nghiệp của ông ở Trung Quốc nói rằng một số con đê nhỏ đã bị vỡ trong đợt lũ lụt năm nay, nhưng chưa gây ra vấn đề lớn. "Khi đê không vỡ, nước lũ sẽ không có chỗ tràn ra, nên nó sẽ ngày càng dâng lên cao hơn", giáo sư giải thích.

Hôm 17/7, nhiều sông nhánh thuộc hệ thống Trường Giang đã tràn bờ tại nhiều nơi. Giới chức tỉnh Hồ Bắc phải điều trực thăng chở đá thả xuống khu vực đê vỡ để ngăn nước tràn vào. Các đội hộ đê được phái đi kiểm tra nhiều khu vực, hàng nghìn bao cát được chuẩn bị để đối phó sự cố vỡ đê. Tỉnh An Huy hôm 19/7 đã phải dùng thuốc nổ để phá một bờ kè trên sông Trừ, nhằm giảm áp lực từ mưa lũ. Sau vụ nổ phá đập, mực nước trên sông Trừ dự kiến giảm 70 cm.

Shankman cho biết sông Mississippi ở Mỹ cũng thường xuyên bị lũ lụt hàng năm, nhưng các vùng bãi bồi của sông này có rất ít người sinh sống. Các con đê cũng được xây dựng dọc sông Mississippi, nhưng cách bờ sông 1-2 km để tạo không gian cho lũ tràn ra hai bên bờ sông khi mực nước tăng lên. Trong gần 100 năm qua, Mỹ chưa từng có đê lớn nào ở hạ lưu sông Mississippi bị vỡ.

"Những trận lũ như vậy thường không quá lớn và vì chúng tôi có ít dân sống trong vùng lũ nên không gặp nhiều vấn đề. Nhưng Trung Quốc không thể làm như vậy, vì dân số của họ quá đông", ông nói. "Họ không thể đi đâu được, bởi các thành phố lớn cũng đã quá đông đúc".

Ông cũng cho rằng đợt thiên tai nghiêm trọng này đã cho thấy vai trò hạn chế của đập Tam Hiệp trong kiểm soát lũ lụt ở Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Trường Giang, bắc qua tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, nơi có địa hình tương đối hiểm trở và lượng mưa dồi dào. Trung Quốc khởi công đập Tam Hiệp từ năm 1994, đưa vào vận hành năm 2012 với tổng chi phí xây dựng hơn 30 tỷ USD.

Đập có mực nước cao tối đa 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km, rộng 1,12 km, thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1.045 km2. Hệ thống 32 máy phát điện của đập sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện, đủ cung cấp điện cho 60 triệu người dân Trung Quốc, theo Interesting Engineering.

Theo giáo sư Shankman, ba mục đích chính của Trung Quốc khi xây đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ lụt, sản xuất điện và định hướng dòng chảy. Tuy nhiên, ông và nhiều chuyên gia nghiên cứu khác đều cho rằng đập Tam Hiệp không thể ngăn được những trận lũ nghiêm trọng.

"Tôi đã xem xét nhiều nghiên cứu khác và họ đều nhận định rằng đập Tam Hiệp không thể thực hiện được chức năng này, và giờ đây chúng ta đang chứng kiến điều đó. Đập Tam Hiệp đã hoàn thành và đi vào vận hành gần 10 năm, nhưng nhiều khu vực dọc sông Trường Giang đang trải qua đợt lũ lớn nhất trong lịch sử", ông nói.

Giới chức Trung Quốc cho biết lượng nước đổ vào hồ chứa của đập Tam Hiệp vào tối 17/7 đạt 55.000 m3/giây, gây áp lực mới cho công trình khổng lồ trên thượng nguồn sông Trường Giang. Lượng nước đổ về hồ cao hơn thời điểm hồ chứa đạt đỉnh lũ đầu tiên hôm 2/7, khi lưu lượng chảy vào là 53.000 m3/s.

Kể từ năm 1954, Trung Quốc trải qua một vài trận lụt nghiêm trọng ở miền nam, với chu kỳ trung bình là 10 năm một lần. Lũ ở Trung Quốc thường xảy ra vào tháng 6, duy trì đỉnh lũ trong 3-4 tuần rồi bắt đầu rút xuống. Năm nay, lũ ở miền nam Trung Quốc đến muộn hơn 2-3 tuần. Shankman cho hay mưa đã bắt đầu giảm, nên tình hình lũ lụt cũng sẽ giảm bớt trong hai tuần tới, nhưng nước sẽ không rút xuống quá nhanh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng đôi khi nước lũ lên mức rất cao, rút dần rồi tiếp tục tăng trở lại. Đây chính là điều từng xảy ra trong trận lụt lịch sử năm 1954.

Giáo sư Shankman không cho rằng lũ lụt ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trận lũ năm nay là ở sông Trường Giang, chảy từ phía tây sang phía đông Trung Quốc và đổ ra cửa biển tại Thượng Hải, không đi qua Việt Nam.

"Nó không phải là vấn đề với Việt Nam", Shankman nói. Ông cho biết thêm Việt Nam không phải lo ngại về hiện tượng Mai Vũ, do cơ chế gây ra mưa vào mùa hè khác với Trung Quốc.

Về bài học kiểm soát lũ, Giáo sư Shankman cho rằng lũ là hiện tượng tự nhiên của các dòng sông, khi không thể ngăn chặn được lũ, con người cần học cách sống chung và cần có nơi để sơ tán vào mùa lũ.

"Tham vọng của con người là kiểm soát tự nhiên, bằng cách xây đập, xây đê và các trạm bơm, nhưng tôi cho rằng cần phải thay đổi suy nghĩ, chấm dứt tư tưởng rằng lũ lụt là điều tồi tệ", ông nói.