EU sắp đạt đồng thuận về gói kích thích kinh tế
Trong hôm 20/7, có nhiều tín hiệu mới cho thấy các nhà lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đạt sự đồng thuận về khoản tiền 1,8 nghìn tỷ euro (2 nghìn tỷ USD) trong kế hoạch kích thích nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, trong lúc các vòng đàm phán ở Brussels kéo dài tới ngày thứ tư.
Chia rẽ sâu sắc
Bị chia rẽ và chậm phản ứng vào giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19 ở châu Âu, các nhà lãnh đạo EU tin rằng giờ họ đã có một cơ hội để chuộc lỗi bằng kế hoạch cứu trợ khổng lồ, chứng minh rằng khối các nước châu Âu có thể phản ứng hữu hiệu trước một cuộc khủng hoảng.
Thế nhưng, sự bất đồng giữa các nước ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các nước đang gánh khoản nợ khổng lồ như Italy và Hy Lạp – những nền kinh tế đang suy giảm không phanh – đã trỗi dậy, khiến cho chính quyền Rome phản đối quan điểm của Hà Lan và các đồng minh ở Stockholm, Copenhagen và Vienna.
Trong lúc mà các nhà lãnh đạo đang chật vật để đạt được sự đồng lòng, trách nhiệm lớn được đặt lên vai của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phải đưa ra một cơ sở mới cho thỏa thuận, sao cho đáp ứng được yêu cầu của cả các nước ở phía Bắc và phía Nam châu Âu.
“Một thỏa thuận là điều cần thiết” – Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với kênh truyền hình BFM TV trong hôm đầu tuần, khi các nhà ngoại giao tạm nghỉ hoặc chuẩn bị cho ngày đàm phán tiếp theo, có khả năng trở thành hội nghị thượng đỉnh EU bị kéo dài nhất từ trước đến nay.
Trong hôm 20/7, đã có lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra mất kiên nhẫn với “khối ngăn chặn” thỏa thuận bao gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Áo, và sau đó là cả Phần Lan. Một nhà ngoại giao nói với Reuters rằng có lúc ông Macron đã đập bàn vì phẫn nộ trước thế bế tắc.
Một nhà ngoại giao khác cũng xác nhận điều này, thêm rằng tình hình lúc đó đã rất căng thẳng, cho đến khi Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes kêu gọi các nhà lãnh đạo kiềm chế.
Ông Michel trước đó đã thúc giục 27 nhà lãnh đạo hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi”, nhắc nhở họ rằng hơn 600.000 người đã tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới. EU cần phải đồng lòng, ông nói. Và dường như EU đã sắp tiến đến bước đột phá trong đàm phán.
Trong số 750 tỷ euro quỹ phục hồi, 390 tỷ euro có thể được xem như các khoản vay không hoàn trả; đây là thỏa thuận dàn xếp giữa khoản tiền 350 tỷ euro mà nhóm 5 nước nói trên yêu cầu và khoản tiền 400 tỷ euro mà Pháp và Đức yêu cầu.
Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc liệu thỏa thuận trên có đang được tiến hành không, nhưng Thủ tướng Áo Sebastian Kurrz nói với Đài ORF rằng ông hài lòng với các vòng đàm phán vừa qua. Ngoài ra, ông cũng hoan nghênh chiến lược của nhóm ngăn chặn.
“Đây chính xác là quyết định tốt nhất mà nhóm đưa ra” – ông Kurz nói – “Lúc đầu nhóm gồm 4 chúng tôi, giờ là 5. Đây đều là các nước nhỏ, mà nếu đứng riêng rẽ một mình sẽ không thể có trọng lượng”.
ECB kêu gọi kế hoạch tham vọng hơn
Mặc dù có nhiều tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo EU cuối cùng sẽ đạt được sự đồng thuận, nhưng các vấn đề liên quan tới việc thắt chặt nguồn tiền chi ra để kích thích nền kinh tế và cải cách dân chủ vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng tôi vẫn chưa đi đến đó, mọi chuyện vẫn còn xa vời. Nhưng có vẻ như mọi chuyện có triển vọng hơn so với thời điểm tối hôm trước đó”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thì lên tiếng cảnh báo rằng không nên đạt một thỏa thuận chóng vánh bằng mọi giá.
“Thỏa thuận của các nhà lãnh đạo nên tham vọng hơn xét về quy mô…dù cho nó có tốn thêm thời gian”, bà Lagard nói với Reuters.
Bình luận mà bà Lagarde đưa ra cho thấy bà đã sẵn sàng trong trường hợp hội nghị thượng đỉnh thất bại vì không đạt thỏa thuận và đối diện với phản ứng từ các thị trường tài chính. Hiện ECB có khoảng 1 nghìn tỷ euro tiền dự trữ đủ để mua lại khoản nợ chính phủ.