Dịch Truyện Kiều là báo hiếu tiếng mẹ đẻ
“Tôi coi việc dịch Truyện Kiều là sự báo hiếu với tiếng mẹ đẻ, như là nén hương dâng lên cụ Nguyễn Du tròn 200 năm ngày mất” đó là những lời tâm sự từ đáy lòng của nhà thơ - dịch giả Dương Tường, nhân dịp cuốn Truyện Kiều bản Tiếng Anh do ông dịch vừa được NXB Thế giới xuất bản.
Sau 2 năm dịch, bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh do Dương Tường dịch đã ra đời. Đây là bản dịch Truyện Kiều Tiếng Anh thứ 18 trên thế giới. Trong thời gian này, thị lực của ông rất kém. Ông phải vật lộn với chính mình để vượt qua trở ngại về sức khỏe, phải sử dụng màn hình cỡ lớn để làm việc hầu cho ra đời bản dịch mang bản sắc của chính mình cùng tình yêu dân tộc vĩ đại.
Dịch giả Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Trong mọi hoàn cảnh Dương Tường đều là nghệ sĩ. Truyện Kiều Tiếng Anh “in Version Dương Tường” là một cuộc chơi trong đó Dương Tường như người nghiện sáng tác, trong ông đã có những “xung động học lại Kiều”. Truyện Kiều qua bản dịch Dương Tường là một phiên bản mới mẻ giữa “Tài và Mệnh”. Dương Tường đã kể lại bằng trí nhớ về Kiều và lối diễn đạt hoàn toàn khác dựa trên sự hiểu biết theo lối nghiệm sinh. Đó là con đường độc đáo và khác biệt mà ở Việt Nam ít có người đi.
Chia sẻ về ý tưởng và những khó khăn trong việc dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh, dịch giả Dương Tường cho hay: “Mỗi người đọc là mỗi cách hiểu khác nhau, không ai hiểu giống ai nên mới có chuyện mỗi thầy dạy một kiểu. Cách đây 2 năm tôi tưởng như mình đã “rửa tay gác kiếm” nhưng cuối cùng ông cảm thấy cần phải làm gì đó để báo hiếu “tiếng Mẹ đẻ” vì thế nên tôi quyết định “đánh liều với cuộc phiêu lưu cuối cùng”.
Nhà thơ - dịch giả Dương Tường tâm sự: Lúc trẻ, vì lượng sức mình chưa đủ nên tôi không dám động đến Kiều. Nay có kinh nghiệm cuộc đời thì mắt kém. Nhưng mình không làm thì ai làm? Cái khó ló cái khôn, mắt kém không đọc được thành ra ông học lại Truyện Kiều cùng cháu, hai ông cháu bàn về Truyện Kiều như hai người bạn.
Dịch giả Vũ Thế Khôi- người đã dịch Truyền Kiều sang Tiếng Nga đánh giá: Cách dịch của Dương Tường là lối tiếp cận mới, tư duy mới mang đến tư tưởng mới. Ông tỏ lòng mến mộ trước công trình kỳ diệu của dịch giả Dương Tường khiến ông phải xem xét lại cách dịch Kiều sang tiếng Nga, dù nhiều người đánh giá bản dịch của ông rất sát, rất đáng giá.