Nhà ở giá rẻ: Cầu tăng nhưng cung khan hiếm
cChỉ tính riêng tại Hà Nội, vẫn không có một dự án nhà ở giá rẻ nào được tung ra thị trường, chỉ có một vài dự án nhà ở thương mại chào bán.
Hiện lượng tìm kiếm nhà ở có diện tích nhỏ, nhà giá rẻ tăng 220% trong quý II-2020. Con số này cho thấy, nhu cầu nhà ở giá rẻ càng ngày càng lớn. Tuy nhiên, nguồn cung đáp ứng cầu này lại rất khiêm tốn. Trong khi đó, phân khúc trung, cao cấp ít cầu hơn lại chiếm ưu thế hơn hẳn.
Ra Hà Nội lập nghiệp gần 20 năm nay song ước mơ được sở hữu một căn hộ tại thủ đô của chị Nguyễn Phương Liên (công nhân ngành may) vẫn còn rất xa vời.
Với đồng lương ít ỏi khoảng 6 triệu đồng/ tháng, chị Liên cho biết, tiền lương chỉ đủ để trang trải tiền học cho đứa con trai lớp 1 và tiền thuê nhà là hết, tuyệt đối không dành dụm thêm được một đồng nào. Trong khi đó, tìm kiếm những căn hộ giá rẻ gần trường học cho con đi lại thuận tiện, chợ búa cũng thuận lợi… tuyệt nhiên không có.
Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành bất động sản, mặc dù thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khủng hoảng bởi dịch Covid-19, song trên thực tế các giao dịch thuộc dòng trung và cao cấp vẫn khá im lìm. Duy chỉ có nhu cầu về ăn hộ giá rẻ gia tăng rất nhanh.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, lượng tìm kiếm nhà ở diện tích nhỏ, nhà ở giá rẻ tăng 220% trong quý II-2020. Điều này cho thấy nhu cầu của người dân về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có sự chênh lệch về nguồn cung sản phẩm giữa phân khúc trung – cao cấp so với nhà ở giá rẻ.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung nhà ở trung - cao cấp đang dư thừa (hiện có khoảng gần 100 triệu m2 sàn), nhưng lại thiếu nguồn cung nhà giá thấp, gồm nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Thực tế, nhu cầu của người dân đối với phân khúc nhà ở trung - cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2) chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tùy theo từng địa phương, đô thị. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở giá rê (dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm tới 70 - 80% nhu cầu của thị trường.
Giới chuyên gia nêu lên nhận định, các sản phẩm bất động sản như đất nền, nhà phố…vẫn đang tiếp đà suy giảm. Ở thời điểm hiện tại, số lượng giao dịch chỉ bằng 20 – 30% so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát. Nghịch lý ở chỗ, mặc dù nhu cầu về nhà giá rẻ luôn ở mức cao, song phân khúc này lại rất khiêm tốn trên thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội, vẫn không có một dự án nhà ở giá rẻ nào được tung ra thị trường, chỉ có một vài dự án nhà ở thương mại chào bán. Phân khúc nhà ở giá rẻ lại càng khan hiếm do quỹ đất bị thu hẹp cũng như những rào cản về thủ tục đầu tư khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Mặc dù hiện nay, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sẽ hướng đến phát triển phân khúc nhà ở diện tích nhỏ dưới 70m2, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vẫn chưa có những cơ chế, quy định cụ thể cho phân khúc này.
Trước đó, nhằm phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đã đưa ra đề xuất áp giá sàn đối với các căn hộ diện tích nhỏ ở mức dưới 20 triệu đồng/ m2, tuy nhiên, đề xuất về việc áp giá sàn là không khả thi.
Bởi, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc áp giá sàn đối với các căn hộ diện tích nhỏ vô hình trung nhà quản lý đã can thiệp quá sâu vào thị trường. Theo vị chuyên gia, nên để thị trường quyết định giá bán, việc các chủ đầu tư bỏ vốn ra sao, tính toán doanh thu và chi phí thế nào, nhà quản lý không nên can thiệp.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự thiếu đồng tình với đề xuất áp giá sàn cho căn hộ diện tích nhỏ mà Bộ Xây dựng đưa ra. Và như vậy, mục tiêu gia tăng căn hộ giá rẻ vẫn đang còn khá trắc trở, người thu nhập thấp vẫn khó có cơ hội sở hữu nhà.