Vực dậy khối C: Thay đổi từ gốc - Bài cuối: Sự điều tiết của nhu cầu xã hội
Theo số liệu được công bố chính thức, hàng năm có khoảng gần 1 triệu học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT, trong đó chỉ có khoảng từ 70 đến 75% học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH. Số thí sinh dự thi khối C toàn quốc là rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% trong các tổ hợp xét tuyển.
Tỷ lệ học sinh thi khối C giảm rõ rệt
Trong khoảng 7, 8 năm trở lại đây những cụm từ “ thất thế khối C”, “khan hiếm khối C”, “né khối C”, “bi đát khối C”, “biến mất khối C”… xuất hiện nhiều và liên tục trên các phương tiện truyền thông, nhất là vào mùa tuyển sinh ĐH,CĐ ở Việt Nam.
Tính riêng, các trường THPT ở các trung tâm, các khu công nghiệp hay thành phố lớn và thị xã, có tỷ lệ học sinh đăng ký tuyển sinh vào khối C chỉ khoảng dưới 1 %, tỷ lệ này có cao hơn là những trường thuộc các tỉnh, các địa phương còn lại. Có trường ở TPHCM, 100% học sinh đăng ký bài thi KHTN hoặc có khối lớp 12 với trên 1 ngàn học sinh mà chỉ có 0,6% học sinh đăng ký thi vào khối C.
Cá biệt, lớp chuyên Văn có 27 em của một trường chuyên ở Hà Nội, chỉ có 1 học sinh dự thi khối C hay lớp chuyên Địa có 35 em cũng chỉ có 2 học sinh dự thi khối C. Nhìn chung số học sinh đăng ký dự thi vào khối C ở các trường THPT thưa thớt, có xu hướng giảm dần ở những năm gần đây.
Theo số liệu được công bố chính thức, hàng năm có khoảng gần 1 triệu học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT, trong đó chỉ có khoảng từ 70 đến 75% học sinh đăng ký dự thi vào các trường Đại học. Số thí sinh dự thi khối C toàn quốc là rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% trong các tổ hợp xét tuyển. Năm 2017 có khoảng 230 ngàn, năm 2018 có khoảng 280 ngàn, năm 2019 có khoảng 250 ngàn học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào khối C. Năm 2020 chưa có số liệu chính thức, nhưng dự đoán số học sinh dự thi khối C cũng sẽ thấp hơn so với những năm trước đó.
Khối C đang chịu sức ép cạnh tranh của khối D
Các môn thi khối C là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Đây là những môn học không hấp dẫn và khó học với đa số học sinh. Theo báo cáo khoa học về di truyền học thì vai trò ảnh hưởng của gen chỉ chiếm khoảng 60% đối với khả năng đọc và viết của trẻ.
Điều đó có nghĩa để học tốt các môn KHXH, đặc biệt là môn Ngữ văn thì bản thân người học phải thực sự cố gắng, mang tính quyết định, còn môi trường học tập cũng có ảnh hưởng rất lớn.
Đây là lý do khách quan từ phía người học. Ngoài ra, những năm gần đây do phương án tuyển sinh phong phú, học sinh đã “né” thi khối C bằng cách chọn tổ hợp bài thi có môn Ngữ văn và Lịch sử hoặc Ngữ văn và Địa lý. Điều này khiến học sinh thi vào khối C cũng bị giảm đi rõ rệt.
Theo quy định, các môn thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh (từ đây, mặc nhiên học sinh bỏ mặc môn Lịch sử và Địa lý). Cùng với đó là nhiều gia đình học sinh sẵn sàng tập trung đầu tư công sức và tiền của cho con học Tiếng Anh từ rất sớm. Từ đó học sinh đủ khả năng, đủ tự tin, bỏ thi vào khối C và chuyển sang thi vào khối D dễ đạt điểm cao hơn mà vẫn hoàn thành được mục tiêu nghề nghiệp mà mình muốn lựa chọn.
Các môn học khối C vừa khó học lại vừa khô khan trong quá trình học tập. Giáo viên duy trì quá lâu cách dạy thuyết trình, chậm đổi mới phương pháp. Dẫn đến giờ học Ngữ văn, thường là ít hấp dẫn, khó kích thích cảm xúc cho học sinh. Tiết giảng chủ yếu là đọc chép, nặng chạy theo dạy bài văn mẫu.
Môn Lịch sử và Địa lý không tận dụng dạy bằng thực tế, trực quan mà chỉ toàn đưa ra những sự kiện, số liệu, địa danh, nên rất khó cho học sinh để có thể dễ nhớ và thuộc lòng như con vẹt được. Từ đây, học sinh sợ và xa lánh thi vào khối C cũng là dễ hiểu.
Khi thi vào khối C, cơ hội xét tuyển ĐH và chọn ngành nghề ít, trong lúc sinh viên tốt nghiệp ra trường lại rất khó tìm kiếm được việc làm. Điểm thi đầu vào lại quá cao để được theo học ngành Luật, Báo chí . . . vốn rất “hót” hiện nay. Giáo dục hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho học sinh, nhiều trường làm chưa đến nơi, đến chốn, dẫn tới các em chưa hiểu hết các ngành nghề của trường ĐH để có cơ sở lựa chọn khối thi tốt nhất cho mình.
Học sinh đăng ký dự thi bài thi KHTN và KHXH thường là bằng nhau, có chăng số bài đăng ký KHTN chênh lệch nhiều hơn, nhưng không đáng kể. Như thế tuy ít học sinh dự thi vào khối C nhưng nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực KHXH vẫn dồi dào, không đáng ngại.
Số học sinh dự thi khối C giảm, trong khi đó nhiều học sinh vẫn chọn được mục tiêu và lĩnh vực yêu thích do chọn dự thi khối D hoặc chọn tổ hợp các bài thi gần nhất các môn thi ở khối C. Tức là dự thi vào các khối có sử dụng nhiều bài thi môn KHXH.
Các khoa quốc tế, bộ môn Hán Nôm, ngành Việt Nam học, du lịch, văn hóa, hoạch định chính sách, ngoại giao, báo chí, xuất bản… có tới 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có ngay việc làm. Đây là điều đáng mừng.
Giảm số lượng học sinh dự thi vào khối C là dễ hiểu, không đáng lo vì các ngành nghề KHXH vẫn phát triển, không xuống cấp. Các nhu cầu nhân lực thuộc lĩnh vực KHXH vẫn đáp ứng được đầy đủ và cũng không hề thua kém nhân lực ở các lĩnh vực có thế mạnh khác, như kinh tế, y dược hay kỹ thuật.
Do đó, số học sinh dự thi khối C tuy có giảm nhưng đó lại là sự điều tiết tự nhiên và được coi là hiện tượng lành mạnh trong xã hội của chúng ta.
Nhìn nhận về thực trạng hụt hẫng khối C hiện nay, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đây là điều cực kỳ nguy hiểm. “Hệ lụy ngày hôm nay chúng ta chưa thấy được nhưng sẽ rất nhanh thôi, trở thành vấn đề đáng lo ngại của ngày mai”- ông Quốc nói.Chia sẻ quan điểm này, GS Phong Lê, người có thâm niên hơn 30 năm làm thầy trên nhiều bục giảng cho rằng: Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội. Đây là hai yếu tố căn cốt. Nhìn vào thị hiếu của xã hội hiện nay, thấy rõ sự coi nhẹ tri thức khoa học xã hội. Điều này rất nguy hiểm, nó lý giải phần nào sự cằn cỗi của con người ngày hôm nay.
“Quay lưng với khối C - về lâu dài và ở tầm bao quát, đó là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách), là sự coi rẻ hoặc gạch bỏ các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại”- GS Phong Lê nhấn mạnh. (Lâm An)