Ma trận vay trực tuyến
Các ứng dụng (app) cho vay tiêu dùng đang “dội bom” vào người tiêu dùng. Cùng với những app quảng cáo rầm rộ với tên lạ hoắc, đáng nguy hiểm hơn, có những app xuất hiện trên nền tảng ứng dụng được nhiều người sử dụng khiến cho hiện trạng vay tiền trực tuyến không khác gì ma trận.
Hơn một năm qua và ngay cả thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý ra sức dẹp nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi vì nó đang gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội. Tuy nhiên sau một thời gian im ắng, dịch vụ đáng sợ này lại tràn lên mạng đội lốt hình thức cho vay trực tuyến.
Từ việc tín dụng đen tràn lên mạng
Chỉ cần gõ cụm từ “vay trực tuyến” có đến 111,000,000 kết quả hiện ra trong 0,55 giây. Kèm với đó là những quảng cáo: “Vay tại nhà, thoải mái chi tiêu”, “giảm 1-2% lãi suất đăng ký vay mới”...
Liệt kê các ứng dụng cho vay trực tuyến gây nhiều chú ý trong thời gian qua, là Tamo, Scach, MoneyCat, One Click Money, Dr.Dong, Cashwagon, Senmo Web, Atome, Finizi, Avay, Xudong, Sago, Mofa, Salo, Mydong, Vinacash, Sunyloan, Zvay, Tictic, Vvtien, Vaynow, Uvay, Ovay, Vymaill, Akulaku, Sakgoncash.
Một khách hàng từng vay qua mạng kể, muốn vay 1,3 triệu đồng qua app với thời hạn 1 tháng. Thế nhưng số tiền thực nhận hơn 936.000 đồng. Hỏi ra mới biết, tiền lãi đã được trừ trước. Như vậy, tính ra lãi vay của đối với số tiền 1,3 triệu đồng lên đến 26.000 đồng/ngày, tương đương 60%/tháng
Bộ Công an cũng đã có cảnh báo người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện. Các đối tượng đã cho vay qua ứng dụng (app, web) trên mạng Internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.
Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Song đáng nguy hiểm hơn, theo lời của nhiều người tiêu dùng bên cạnh những ứng dụng lạ thì thời gian gần đây các ứng dụng có hàng ngàn người sử dụng cũng quảng cáo cho vay qua mạng.
Chẳng hạn như thời gian qua là ứng dụng cho vay trực tuyến ZaloBank trên nền tảng Zalo của Công ty cổ phần VNG (VNG). Mặc dù ứng dụng này bỗng chốc biến mất trên Zalo không vết tích.
Đến chuyện thông tin khách hàng bị bán
Anh Hoàng Trường Hải (Hà Nội) khẳng định, có cung ắt có cầu. Nhiều người cần vay tiền gấp thì các dịch vụ sẽ mọc lên để… phục vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ, thật giả lẫn lộn, nên không biết ứng dụng nào ổn nào không ổn. Riêng dịch vụ tài chính, không khác gì ma trận.
Vẫn theo anh Hải: “Điên nhất là chuyện bị bán thông tin cho nhau”.
Cụ thể, theo lời anh Hải, anh lỡ đăng ký vay trực tuyến của Viettel Pay, và anh tưởng Viettel hoặc là Ngân hàng Quân đội MB sẽ cho vay. Nhưng thực tế là từ ngày đăng ký, anh liên tiếp nhận được lời mời chào vay trực tuyến từ một công ty tài chính.
“Một ngày nhận được hơn chục cuộc điện thoại, từ việc từ chối nhẹ nhàng đến tức giận, cũng không được tha. Sợ nhất là bị làm phiền” - anh Hải nói.
Tuy nhiên anh Hải, cũng chỉ là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp khác bị lộ thông tin để rồi bị các công ty tài chính, các app cho vay tiêu dùng làm phiền.
Nhiều khách hàng cũng than thở với phóng viên rằng, liên tiếp bị các công ty cho vay tiêu dùng gọi, cũng như gửi tin nhắn mời vay tiền dù chẳng có nhu cầu.
Coi chừng cạm bẫy
Hình thức cho vay qua mạng đang mọc như nấm này được giải thích là mô hình của P2P (Peer to Peer Lending). Kết nối trực tiếp giữa nơi vay vốn và người cần vốn mà không qua ngân hàng. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending.
Do vậy nếu người dùng không có lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen đội lốt ứng dụng cho vay trực tuyến.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, khách hàng cần đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trước cung cấp dữ liệu cá nhân hay click vay vốn để tránh những mâu thuẫn phát sinh ảnh hưởng đến quyền lợi.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các thủ tục xét duyệt khoản vay, cấp hạn mức cho vay, không cần tài sản đảm bảo... một cách dễ dàng sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng.
Còn từ phía ngân hàng, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính đã khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...
Vì thế, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì không chỉ người dân bị lừa, mà có khi đến ngân hàng cũng bị vào tròng. Vì thực tế vay trực tuyến đã và đang là một ma trận, nó như một chiếc bẫy đã giương lên chỉ đợi ai đó sa chân.