Những tháng ngày đáng nhớ
Tới thời điểm này, thế giới đã có hơn 15 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó hơn 618.000 ca tử vong do Covid-19. Trong tình thế đó, Việt Nam tự hào và hạnh phúc khi đã sắp qua 100 ngày không phát hiện ca Covid-19 nào trong cộng đồng. Cũng không có người tử vong. Nhìn lại những ngày cả nước “chống dịch như chống giặc”, hơn 100.000 khu dân cư là hơn 100.000 pháo đài chống dịch, thật là quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời mỗi một con người.
Đêm 5/3, Hà Nội cũng như cả nước lo lắng khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17 sau 22 ngày không có ca bệnh mới. Đại dịch đã ở ngay trong cộng đồng. Cả tuyến phố Trúc Bạch đông dân cư của Hà Nội bị phong tỏa.
Trước đó, ngày 13/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) với hơn 10.000 dân trong thời gian 21 ngày. Ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Rồi tới chiều tối ngày 7/4, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) với 2.973 hộ dân, tương đương với 10.872 nhân khẩu. Cũng do Covid-19…
Nhưng có lẽ nặng nề hơn chính là kể từ lúc 0 giờ ngày 1 tháng 4, cả nước phải thực hiện cách li trong vòng 14 ngày, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.
Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tôi vẫn còn nhớ như in, sáng thứ Năm, ngày 2/4, đường phố Hà Nội bỗng vắng lặng khác thường. Các tuyến phố La Thành, Xã Đàn, Khâm Thiên, Phố Huế... hàng ngày tôi vẫn đi qua để đến nơi làm việc vốn đông đúc là thế nhưng sáng đó chỉ có vài ba người mặt trùm kín mít, vội vã và lặng lẽ như những chiếc bóng.
Buổi tối của ngày đầu tiên cả nước phong tỏa, suốt từ phố Bà Triệu cho tới Giảng Võ, đoạn đường chừng 4 km đều cửa đóng then cài. Tôi đi làm về qua đường Nguyễn Du, ven hồ Thiền Quang không một người nào bên cạnh. Chỉ có ánh đèn đường lấp lóa trong những lùm cây. Những cây hoa sữa vốn thơ mộng là thế thì sao lại cho tôi cảm giác thê lương…
Không biết điều gì đợi mình phía trước đây? Về tới nhà, mở cửa bước vào, chỉ thấy bữa ăn sơ sài đặt sẵn trên bàn. Cắm cúi ăn một mình vì người thân cũng đã “nấp” vào phòng kín.
“Giãn cách”, cái từ đó vang vang trong đầu thật là ám ảnh.
Nhưng rồi mọi sự dần thay đổi. Tin tức tốt lành hàng giờ được thông báo tới người dân. Mỗi ngày trôi qua là một ngày hy vọng do chúng ta thực hiện quá tốt việc phòng, chống Covid-19. Mọi người tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước, vào ngành y tế. Niềm tin vô điều kiện ấy đã được đền đáp. Từng ngày nhẫn nại qua đi, đất nước đã qua những tháng ngày căng thẳng của đại dịch một cách không thể nào tốt hơn.
Chỉ ngày mai thôi là cả nước qua 100 ngày không có ca Covid-19 trong cộng đồng, lại càng tin tưởng rằng chúng ta đã chiến thắng đại dịch. Nhưng phía trước vẫn còn đó thách thức khi mà đất nước đón hàng chục ngàn đồng bào từ nhiều quốc gia về nước tránh dịch. Trong đó, có cả những người đã xác định nhiễm SARS-CoV-2.
Chủ trương “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong” đã đem lại kết quả cực kỳ tốt đẹp thì nay lại phải áp dụng cách làm mới. Cho dù đồng bào ta từ nước ngoài trở về đã mang mầm bệnh thì cũng không thể để cho cái con virus chết người mang tên corona có cơ hội tồn tại, phát tác trong cộng đồng.
100 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng trong đại dịch là một thời gian dài, nó phải được coi là một cột mốc quan trọng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của đất nước. Nhưng chúng ta cũng không phải đang sống trên một ốc đảo biệt lập, thế giới vẫn đang quay cuồng vì Covid-19.
Nguy cơ vẫn còn đó, không thể chủ quan. Không thể để thành quả tốt đẹp bị phá hỏng bởi bất cứ lý do nào. Vì thế, việc mới đây ở Đà Nẵng, Quảng Nam phát hiện tới mấy chục người nước ngoài nhập cảnh chui khiến mọi người cùng lo lắng.
Vì sao lại có sự bất cẩn đến thế? Ai thiếu trách nhiệm đã để lọt? Ai đã nhắm mắt trục lợi bất chấp mối hiểm nguy cho cộng đồng? Đó chính là những câu hỏi nhức nhối cần sớm có câu trả lời. Mà không chỉ trả lời, mà phải hành động. Hành động một cách kiên quyết để ngăn chặn, dập tắt mối nguy cơ lây nhiễm mới.
Vì thế, việc ngày 21/7 mới đây, Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép và đang tiến hành điều tra theo quy định - được tất thảy mọi người hoan nghênh.