Brexit: Anh cứng, EU cũng cứng

Đình Tú 23/07/2020 07:09

Các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu vòng đàm phán kéo dài đến ngày 24/7 tại London để tìm đường ra cho một “hậu Brexit trong mơ”. Đây là thời gian cuối cùng trước khi để các quốc gia thuộc EU phê chuẩn nhưng...

Brexitlà vấn đề nóng không chỉ với Anh và EU.
Brexit là vấn đề nóng không chỉ với Anh và EU.

Còn nhiều bất đồng

Theo Reuters, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ trong tương lai, nhưng London không sẵn sàng từ bỏ quyền lợi của mình như một quốc gia độc lập.

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng ta về chủ quyền, luật pháp và nghề cá là rất rõ ràng, chúng ta sẽ không từ bỏ quyền lợi của mình là một quốc gia độc lập”.

“Chúng ta sẽ tiếp tục tham gia xây dựng với EU về những vấn đề chính này và sẽ nỗ lực hợp tác để đạt được dự thảo sâu rộng về một thỏa thuận, nhưng như chúng ta đã nói rõ, chúng ta không yêu cầu một thỏa thuận đặc biệt hoặc duy nhất”.

Đây là vòng đàm phán tiếp theo sau cuộc “đàm phán tồi tệ” mà truyền thông Anh đưa vào hồi đầu tháng. Đó cũng là cuộc đàm phán gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Liên minh châu Âu và Anh về một thoả thuận hậu Brexit đã phải kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự định do hai bên bất đồng gay gắt.

Trưởng đoàn đàm phán của phía EU là ông Michel Barnier đã chỉ trích phía Anh là thiếu tôn trọng và thiếu các cam kết đối với các đàm phán hiện nay. Theo ông Barnier, sau 4 ngày đàm phán trực tiếp, các bất đồng giữa hai bên là quá lớn nên việc kéo dài là không cần thiết.

Phía Liên minh châu Âu cho biết, trong các vòng đàm phán vừa qua, EU công nhận “lằn ranh đỏ” của phía Anh đối với vai trò của Toà tư pháp châu Âu, công nhận việc Anh không phải tuân theo luật của EU và việc cần phải có một hiệp định mới về nghề cá phản ánh đúng các thay đổi sau Brexit.

Tuy nhiên, ông Michel Barnier cho rằng, các quan điểm mềm dẻo của phía EU đã không được phía Anh đáp lại một cách tương tự, đặc biệt trong vấn đề “sân chơi thương mại công bằng”. Tức là phía Anh phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngang với EU về môi trường, quyền của người lao động cũng như trợ cấp nhà nước.

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Anh, ông David Frost cũng thừa nhận, hai bên đã đàm phán về đầy đủ các vấn đề nhưng còn tồn tại quá nhiều bất đồng. Ngay trong ngày thứ 2, đoàn đàm phán của Anh đã lên đường về nước mà không đưa ra lý do.

Các diễn biến này cho thấy, mục tiêu sớm đạt được thoả thuận Brexit mà hai bên đặt ra sau cuộc họp cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và các lãnh đạo của EU đã từng cam kết rất khó trở thành hiện thực.

Cuộc đua nước rút

Trong khi đó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định rằng phía EU muốn có một thoả thuận hậu Brexit với Anh nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào và EU cần chuẩn bị cho các kịch bản khác.

“Tôi muốn nói rõ thêm một lần nữa rằng chúng tôi muốn có một thoả thuận và đó là lí do chúng tôi đang làm việc rất nỗ lực, nhưng không phải với bất cứ giá nào. Chúng tôi muốn đàm phán những điều kiện cạnh tranh cho nền công nghiệp, cho các công ty vừa và nhỏ và cho việc bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường nội khối Liên minh châu Âu. Đó là những gì mà thoả thuận cần đạt được và là thứ chúng ta còn cách rất xa về quan điểm so với người Anh” - Chủ tịch Ursula von der Leyen nói

Do thỏa thuận giữa Anh và EU cần sự phê chuẩn của Quốc hội các nước và vùng lãnh thổ thành viên EU, nên thời gian muộn nhất để hai bên ký kết một thỏa thuận là ngày 31/10.

Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, việc đàm phán giải quyết tất cả các bất đồng để đi đến một thỏa thuận toàn diện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai, gần như không thể.

Theo các chuyên gia phân tích quan hệ Anh - EU, điều này dẫn đến khả năng cao nhất, từ nay đến hạn chót, hai bên chỉ có thể đạt được một thỏa thuận hạn chế, có tính chất tạm thời để có thêm thời gian đàm phán cho một thỏa thuận có tính chất lâu dài.

Đối với hàng hóa, hai bên có thể nhất trí với các điều khoản không có thuế quan, không có hạn ngạch. Với các vấn đề còn tranh cãi như dịch vụ tài chính hay đánh bắt cá tại vùng biển của Anh, hai bên có thể tạm chấp nhận điều khoản tương tự như các thỏa thuận của EU với Na Uy và Thụy Sĩ.

Ngày 24/5/2019, Thủ tướng Anh Theresa May xúc động tuyên bố bà sẽ từ chức Thủ tướng sau khi thừa nhận đã thất bại trong nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ của mình là đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - theo Bloomberg.

“Tôi đã làm hết sức mình” - bà May phát biểu trước ống kính máy quay bên ngoài Văn phòng Thủ tướng trên tại số 10 Phố Downing - “Đây sẽ luôn là điều gây tiếc nuối lớn nhất đối với tôi khi không thể khiến Brexit (Anh rời khỏi EU) xảy ra”.

Người thay thế bà May là ông Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng, được cho là hết sức quyết liệt đối với việc đưa nươc Anh ra khỏi EU một cách “vô điều kiện”. Ngay sau khi ngồi vào ghế Thủ tướng, ông Boris Johnson đã tuyên bố sẵn sàng cắt đứt mọi quan hệ với EU nếu Brexit không diễn ra theo kế hoạch. Còn tại thời điểm này, vị Thủ tướng có mái tóc vàng bồng bềnh đang chèo lái để con thuyền nước Anh rời khỏi EU một cách an toàn nhất.

Đình Tú