Trung Quốc: Lũ trên sông Hoài tiến về hạ lưu
Bờ kè dọc sông bị vỡ đã khiến hơn 10.000 người dân ở miền Đông Trung Quốc bị mắc kẹt trong hôm 22/7. Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở nước này vẫn diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là ở các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây và An Huy. Lũ lụt cũng bắt đầu ảnh hưởng tới khu vực phía Bắc.
10.000 người bị cô lập
Mực nước ở Cố Trấn, tỉnh An Huy đã tăng đột biến, vượt qua hàng rào chống lũ. Mực nước có thời điểm cao tới 3 m - theo Tân Hoa Xã. Kể từ khi lũ bắt đầu trong tháng 6, hơn 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 150.000 ngôi nhà bị hư hại và ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 9 triệu USD chỉ tính riêng ở tỉnh An Huy.
Tình hình ở tỉnh An Huy hiện rất nguy cấp, mực nước của trạm Trung Miếu ở Sào Hồ, thành phố Hợp Phì lúc tính đến đêm ngày 21/7 đã lên tới 13,36m, đạt mức cao nhất trong 100 năm qua. Đập Vương Gia Bối đã mở toàn bộ 13 cửa xả lũ, nhưng tất cả các địa phương của tỉnh An Huy vẫn bị lũ lụt ở nhiều mức độ khác nhau. Trong số đó, hơn 10.000 người đã bị cô lập tại thị trấn Cố Trấn.
Mặc dù Vương Gia Bối đã mở hết các cống xả nước, chuyển dòng nước lũ đến khu vực phân lũ để giảm áp lực lũ lụt, nhưng lũ lụt ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau vẫn xảy ra trên khắp tỉnh An Huy do mưa lớn.
Thành phố Lục An, tỉnh An Huy, nổi tiếng là vùng sản xuất chè, đã hứng chịu những trận mưa lớn liên tiếp. Nước sông dâng cao đã khiến đê sông bị vỡ và tràn vào khu dân cư. Ít nhất 10.000 người dân đã bị lũ lụt bao vây và chờ được giải cứu.
Một số khu vực của thành phố Lục An, cách Hợp Phì khoảng 100 km về phía Tây, đã trải qua những cơn mưa cực lớn kể từ ngày 17/7, khiến mực nước ở nhiều con sông ở An Huy tăng vọt và nhiều nơi xuất hiện tình huống nguy hiểm. Ngày 19/7, đê sông gần thị trấn Cố Trấn, quận Dụ An, thành phố Lục An đã bị vỡ.
Kể từ tháng 6/2020, Đài Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã 40 ngày liên tiếp ra cảnh báo mưa bão, trở thành thời gian mưa dài nhất kể từ khi bắt đầu có dịch vụ cảnh báo mưa bão vào năm 2007.
Theo công bố chính thức, mưa lớn liên tục đã khiến 38,73 triệu người ở hơn 20 tỉnh thành gánh chịu tai họa, 141 người chết, 29.000 ngôi nhà bị sập và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới gần 100 tỷ NDT (14 tỷ USD).
Ngày 22/7, Bộ Thủy Lợi Trung Quốc thông báo, do ảnh hưởng bởi lượng mưa và nước từ thượng nguồn, mực nước ở đoạn từ Sa Thị đến Hán Khẩu ở trung và hạ lưu sông Dương Tử và hồ Động Đình sẽ tiếp tục dâng cao, mực nước hồ Thái Hồ sẽ tiếp tục dao động ở mức cao; lũ trên sông Hoài tiếp tục tiến về phía hạ lưu.
Mưa lớn “di chuyển” lên phía Bắc
Ông Ngạc Cánh Bình, Phó Tổng chỉ huy phòng chống thiên tai quốc gia và là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi - đã hai lần chủ trì hội nghị, phân tích và đánh giá tình hình lũ lụt ở sông Dương Tử, sông Hoài và hồ Thái Hồ và bố trí các công tác trọng điểm tới đây.
Theo dự báo thời tiết, từ ngày 21đến ngày 23/7, dải mưa sẽ dịch chuyển lên phía Bắc, sẽ có mưa lớn ở phía Đông Bắc vùng Tây Nam, phía Đông Nam vùng Tây Bắc, phía Nam Hoa Bắc, Hoàng Hoài và phía Bắc Giang Hoài, đe dọa lưu vực Hoàng Hà. Tiếp đó từ ngày 24 đến ngày 27/7 sẽ có thêm một đợt mưa lớn nữa. Hai đợt mưa lớn liên tiếp này sẽ uy hiếp nghiêm trọng lưu vực Hoàng Hà và Hoài Hà.
Trước đó, hôm 20/7, lưu lượng dòng chảy của Hoàng Hà ở Trạm Thủy văn Lan Châu đã đạt mức 30.000m3/s, chính thức hình thành Cơn lũ thứ 2 năm 2020 trên Hoàng Hà; ngày 21/7, nhiều khu vực ở Lan Châu đã bị chìm trong nước lũ.
Trận lũ tồi tệ nhất ở Trung Quốc xảy ra vào năm 1931, khi hơn 2 triệu người thiệt mạng. Lũ lụt ảnh hưởng tới một khu vực có diện tích ngang bằng nước Anh và một nửa Scotland cộng lại, ảnh hưởng tới khoảng 25 triệu người - tức 1/10 dân số Trung Quốc vào thời điểm đó.
Kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, có 2 đợt lũ cực kỳ nghiêm trọng. Đầu tiên là vào mùa Hè năm 1954 dọc sông Dương Tử, khiến hơn 30.000 người chết, ảnh hưởng tới 18 triệu dân.
Thứ hai là vào năm 1998, cũng dọc sông Dương Tử nhưng ở miền Nam và miền Bắc nước này, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, 15 triệu người mất nhà cửa, tổn thất kinh tế lên tới 23 tỷ USD.