Nâng cao nhận thức của người đứng đầu về dân chủ
Theo bà Trương Thị Mai, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ.
Chiều 23/7, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phối hợp Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Cụm các tỉnh, thành duyên hải miền Trung.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng BCĐ Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Cụm các tỉnh, thành duyên hải miền Trung gồm 6 địa phương gồm TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương trong Cụm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và các nghị định hướng dẫn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội khác…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Cụm các tỉnh, thành duyên hải miền Trung vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Trong đó, việc thực hiện dân chủ trong triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội từng lúc, từng nơi chưa thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên.
Việc giám sát quản lý, sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã hiệu quả chưa cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện quy chế dân chủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Do đó, các địa phương trong Cụm cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ.
“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, với triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận và các phong trào thi đua yêu nước”, bà Trương Thị Mai nói.