Nhân lên những mô hình bảo vệ môi trường
"Việc bỏ rác vào thùng rác nơi công cộng giữ cho đường phố, vườn hoa, công viên sạch đẹp đã trở thành nét văn hóa, tư chất của người công dân thành phố hiện đại", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Rác thải là vấn đề quan tâm của các địa phương từ nhiều năm nay, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác thải, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông, việc xả rác không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra tại một vài nơi.
Trước thực trạng ô nhiễm MTTQ, các cấp và các tổ chức thành viên đã có những phong trào, những cách làm riêng để vận động người dân hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay 4.924 khu dân cư trên toàn thành phố đều có mô hình bảo vệ môi trường.
Nhiều địa phương đã hình thành “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường tự quản”…gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều khu dân cư đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện vệ sinh môi trường gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trong đó, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được phân công phụ trách thường trực để triển khai thực hiện. Các thành viên Ban Công tác Mặt trận vừa tích cực tuyên truyền, vừa gương mẫu đi đầu tham gia làm tổng vệ sinh định kỳ vào mỗi sáng thứ 7, chủ nhật đường làng ngõ xóm, khu dân cư…
Phong trào chống rác thải nhựa cũng lan tỏa tới hội viên phụ nữ phường Việt Hưng, quận Long Biên bằng việc làm thiết thực là biến lịch cũ, bìa tạp chí... thành túi giấy. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trần Thị Thái Hà, sự thành công của mô hình biến lịch cũ, bìa tạp chí... thành túi giấy đựng thực phẩm khô, thay thế túi ni lông có sự tham gia rất tích cực của từng hội viên. Từ những ngày đầu khó khăn trong vận động thì nay ý thức người dân đã được nâng lên một bước đáng kể.
Ngoài ra, mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi ni lông” cũng được thực hiện rất hiệu quả tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Hà đã hỗ trợ các tiểu thương trên 7.500 các loại túi giấy do hội viên gấp. Hàng ngày, thay vì dùng túi nilông thì chúng tôi dùng túi giấy để đựng hàng hóa. Việc làm này giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2008, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức xây dựng hai mô hình điểm về bảo vệ môi trường của UBTƯ MTTQ Việt Nam tại tổ dân phố số 10 phường Việt Hưng, quận Long Biên và xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Tại đây, hai địa phương đã vận động các gia đình ký cam kết giữ vệ sinh môi trường, mỗi đảng viên vận động các thành viên trong gia đình dọn vệ sinh khu vực nhà mình ở và gương mẫu tham gia vệ sinh đường làng, ngõ, xóm vào sáng thứ bảy hằng tuần.
Nhờ đó, môi trường của các khu dân cư, tổ dân phố được cải thiện rõ rệt, người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tự giác bóc xóa quảng cáo, rao vặt… Đến nay, thành phố đã triển khai nhân rộng mô hình trên 30 quận, huyện, thị xã.
Chia sẻ thành công trong việc Mặt trận tăng cường vận động nhân dân tham gia BVMT, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, năm 2009, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trên địa bàn Thủ đô đã ký kết phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”; coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
“Nhờ phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện bảo vệ môi trường, đã góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực.
Do đó, việc tập kết rác thải và thu gom rác thải đã trở thành nền nếp trong các khu dân cư. Việc bỏ rác vào thùng rác nơi công cộng giữ cho đường phố, vườn hoa, công viên sạch đẹp đã trở thành nét văn hóa, tư chất của người công dân thành phố hiện đại”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.