Đừng sửa khuyết điểm thành thành tích
Đừng bao giờ coi những ấu trĩ, những sai lầm cần phải sửa chữa là “thành tích” đáng ghi nhận.
Cần đẩy mạnh đầu tư công và kích cầu tiêu dùng trong nước là những nhiệm vụ hết sức đúng đắn và cấp bách để khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19. Vì thế, việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là không thể chấp nhận.
Thật là đau lòng xót khi chúng ta thiếu tiền, phải đi vay ODA mà vẫn không tiêu hết, không tiêu được trong khi giao thông xuống cấp, bệnh nhân nằm 2-3 người một giường, nhiều lớp học ở các thành phố lớn sĩ số tăng lên gấp hai lần, nhưng vẫn chẳng được ai quan tâm giải quyết.
Giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm, nếu chậm thì phải coi là khuyết điểm. Vậy thì lẽ nào “căn bệnh trầm trọng” nơi này nơi kia sửa (phần nào) lại được coi là thành tích?
Còn nhớ mấy năm trước, không ít bộ, ngành được “khen” là đã bỏ được nhiều giấy phép, thủ tục rườm rà cản trở sản xuất, cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp.
Ơ hay, những thủ tục ấy là do chúng ta lập ra, bày ra, nghĩ ra, chứ có phải từ trên trời rơi xuống đâu, mà người nghĩ ra chúng không những vô can, lại còn được coi là có thành tích khi bỏ nó đi. Đấy là chưa kể vì lợi ích cục bộ người ta còn cho chúng biến tướng thành giấy phép con, giấy phép cháu.
“Nông vi bản”, ông cha ta từng nói như thế ngày nay rất nhiều cán bộ cũng nói như thế. Qua những năm khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn đứng vững. Người ta mới càng thấm thía “nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế”. Nói thế, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành được đầu tư ít nhất, vẫn bị “coi thường” nhất, mặc dù chẳng ai chịu nhận.
Bao nhiêu năm rồi người tiêu dùng trong nước luôn bị bỏ quên. Bao nhiêu sản phẩm ngon nhất, sạch nhất, tiện ích nhất… người ta dùng để xuất khẩu. Chỉ những sản phẩm lỗi mốt không xuất khẩu được, người ta mới để lại cho người tiêu dùng trong nước. Mà xuất khẩu đâu có được giá? Gần đây báo chí đưa tin gạo của ta xuất khẩu với giá cao nhất từ trước đến nay cũng chỉ trên 470 USD/1 tấn, tính ra mỗi cân gạo chỉ bán được chừng 10-11 nghìn đồng.
Thế mà người dân trong nước phải ăn gạo với giá thấp thì cũng 16 đến 18 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình ở Hà Nội ăn gạo Tám Thái với giá 22 nghìn đồng/kg. Nếu không sính ngoại, sính xuất khẩu, ta chỉ cần bán 15 đến 16 nghìn đồng/1 kg gạo cho đồng bào trong nước là đã lợi cả đôi đường.
Với các sản phẩn nông nghiệp khác cũng như vậy: Hoa quả ngon nhất đem bán cho nước ngoài, khi không bán được lại kêu gọi “giải cứu”. Có một dạo người nước ngoài chê sản phẩm của ta còn dư lượng kháng sinh, còn dư chất bảo vệ thực vật… họ không cho nhập, phải mang về. Mang về, mang đi đâu? Thế là người tiêu dùng trong nước lại ăn những thứ mà nước ngoài chê!
Gần đây báo chí lại nói chuyện sản phẩm của ta đã xuất sang được nhiều thị trường khó tính nhất. Không ai nói ra, nhưng đã mặc nhiên công nhận có hai bảng giá trị đối với sản phẩm: ngon, sạch và tiện dụng thì dành cho người nước ngoài còn xấu, độc, lỗi mốt… thì dành cho bà con trong nước.
Chúng tôi đề nghị: Sản phẩm dành cho người tiêu dùng trong nước cũng phải như dành cho xuất khẩu. Tức là chỉ dùng một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Chúng ta đều biết người Nhật coi trọng người tiêu dùng trong nước như thế nào. Tất cả những hàng hóa rẻ nhất, chất lượng tốt nhất… đều dành cho người tiêu dùng trong nước. Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản có thể “hoa hòe hoa sói” về mặt hình thức, nhưng chất lượng không bằng hàng hóa bán cho người trong nước. Chính thế mà người Việt đi Nhật (và một số nước khác) mới thích mua hàng nội của họ về bán, với cái tên là “hàng xách tay” vì nó vừa rẻ, vừa có chất lượng.
Các nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất nhì thế giới như Mỹ, Nhật… đều coi trọng kích cầu tiêu dùng trong nước, nền kinh tế của họ phát triển được là do người tiêu dùng trong nước “mở hầu bao”. Chúng ta có thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng thì không phải nhỏ.
Nói như thế không phải là hạ thấp vai trò của xuất khẩu mà là đòi hỏi phải nâng cao giá trị cũng như sức mạnh của thị trường nội địa. Đừng để đến khi trên 90% khách quốc tế không đến được Việt Nam thì mới tổ chức kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Nói vậy để thấy rằng chỉ có người Việt Nam mới quyết định được sự phát triển của nền kinh tế (trong đó có xuất khẩu) Việt Nam. Coi trọng thị trường nội địa là quy luật lớn nhất của nền kinh tế. Không ai nói là chúng ta coi thường thị trường nội đia, nhưng bao năm nay trong ứng xử cụ thể chúng ta đã làm như vậy.
Và cũng đừng bao giờ coi những ấu trĩ, những sai lầm cần phải sửa chữa là “thành tích” đáng ghi nhận. Đừng ngạc nhiên khi hàng vạn doanh nghiệp không muốn lớn, bởi nguyên nhân sâu xa là do những người quản lý ứng xử không đúng với tư thế của người đã trưởng thành!