Ông chủ 9X bán hàng lậu thu về hàng trăm tỷ đồng: Hé lộ khoản chi 'luật lá'
Nhiều chi tiết, con số đáng chú ý trong vụ tổng kho lậu của Trần Phú Thành (28 tuổi) ở Lào Cai đã được cơ quan chức năng thông tin sau nhiều ngày tiến hành kiểm tra, rà soát.
Hé lộ khoản chi “luật lá"
Với cả nghìn đơn hàng được gửi đi mỗi ngày, kho hàng lậu của Trần Thành Phú, sinh năm 1992 tại Lào Cai có doanh thu “khủng" chỉ nhờ livestream, bán hàng trên Facebook.
Theo thông tin từ đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, tổng kho hàng lậu này rộng hơn 10.000 m2. Tính từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Theo lời khai nhận ban đầu của các nhân viên tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được tuồn lậu từ Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày nào tối thiểu nhóm này cũng chốt được trên dưới 1.000 đơn hàng. Bình quân hàng tháng gần 100.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đến 40.000 đơn hàng.
Theo đó, toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 contaniner mới đủ chỗ để niêm phong. Tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát.
Qua điều tra của Tổng cục QLTT, tổng các loại chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng là khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có 1 loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, có hai loại chi phí lớn là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng gần 400 triệu đồng/tháng và cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng.
Người dùng đối mặt rủi ro lớn từ 1 buổi livestream như thế nào?
Qua phát giác vụ việc này, đại diện Tổng cục quản lý thị trường còn cho biết người tiêu dùng còn đang đối mặt với một rủi ro rất lớn đó là mất thông tin cá nhân.
Cụ thể khi rà soát tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện một hệ thống phần mềm đồ sộ và chuyên nghiệp cho chốt đơn trên các bình luận của 1 buổi livestream được nhóm đối tượng cài đặt trên tất cả máy tính tại tổng kho.
Phần mềm này có tính năng vô cùng mạnh mẽ là quét toàn bộ những bình luận (comment) trên livestream theo thời gian thực, lưu trữ, phân tích bình luận đó 1 cách tự động, tạo đơn hàng từ bình luận, chốt đơn, in phiếu vận chuyển, quản lý người bình luận, quản lý khách hàng…
Quan trọng nhất nó giúp nhóm đối tượng lấy UID (mã định danh người dùng) của người dùng trên mạng xã hội Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại…
“Đây là nguy cơ lớn nhất mà người tiêu dùng gặp phải, nhưng dường như ta không ý thức được và chỉ nghĩ đơn thuần xem livestream giống như xem truyền hình, không hại gì?”, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo.