Viện Kiểm sát phải là công cụ sắc bén trong đấu tranh phát hiện tội phạm tham nhũng

Lan Hương 24/07/2020 17:43

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Viện Kiểm sát phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Sáng ngày 24/7 tại Hà Nội, VKSND tối cao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VI. Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng tham dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Kiểm sát đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân; thực hiện tốt trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Mặc dù vậy theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những thời cơ to lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Kiểm sát nhân dân v
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Do vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Kiểm sát phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, phải nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và thế giới; diễn biến tội phạm, vi phạm; cẩn trọng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đất nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, là hoạt động bảo đảm tính tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động tư pháp.

“Viện Kiểm sát phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố, bảo đảm công tố phải gắn với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển Ngành KSND đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020 VKSND đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Trong đó VKSND tối cao đã kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều bị cáo nguyên là những cán bộ, công chức có chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hiếu…

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, VKSND kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng nhiều biện pháp như kê biên, phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản, vật chứng…ngay từ đầu quá trình điều tra, qua đó hạn chế tình trạng tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản. Điển hình trong vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt). Đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản tài sản có giá trị trên 300 tỷ đồng trong vụ án Giang Kim Đạt; kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị 6.100 tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn I.

Lan Hương