Quảng Nam: Nỗ lực trong triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Tại Quảng Nam, ngành thủy sản đang tập trung triển khai nhiều biện pháp để phát triển nhằm đáp ứng được yêu cầu của Ủy Ban Châu Âu (EC), trong việc chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Thực trạng
Tại Quảng Nam toàn tỉnh có 3.041 chiếc tàu cá, trong đó riêng vùng khơi là 747 chiếc, trong số này có 707 tàu tham gia đánh bắt, 40 tàu làm nghề hậu cần. Thế nhưng trong số 747 tàu cá nói trên có đến 43 tàu không thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác từ đầu năm 2018 đến nay.
Quảng Nam cũng đã có 572 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) nhưng 9 tàu hiện đang nằm bờ do làm ăn thua lỗ hay thiếu lao động; 175 tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT do tàu hết hạn đăng kiểm và Giấy phép khai thác thủy sản, đang nằm bờ, cải hoán, nâng cấp, hoặc đang trong giai đoạn lắp máy GSHT, hoặc chủ tàu chưa có kinh phí mua thiết bị GSHT.
Trong khi đó về cơ sở hạ tầng nghề cá thì Quảng Nam chỉ có 1 cảng cá loại 2 là cảng An Hòa ở huyện Núi Thành và 2 bến cá ở TP Tam Kỳ và TP Hội An. Tuy nhiên do cảng cách xa cửa biển và hạ tầng giao thông khó khăn, không có cơ sở thu mua thủy sản tươi nên lượng tàu thuyền về cập cảng ít. Có 4 khu neo đậu tránh trú bão nhưng chỉ được đầu tư hoàn thiện ở giai đoạn đầu, còn thiếu các công trình phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá…
Theo ông Ngô Văn Định, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, số lượng tàu cá của tỉnh rất lớn nhưng chỉ có Cảng An Hòa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Việc kiểm tra, kiểm soát, thu/nộp Sổ nhật ký khai thác/thu mua của các nghề khai thác chưa thực hiện được triệt để.
“Ngư dân có thói quen bán sản phẩm hải sản khai thác được tại các nậu, vựa vùng gần cửa biển, bãi ngang, bến cá. Do vậy việc kiểm tra, giám sát sản lượng tại cảng cá An Hòa chưa được nhiều. Trong tổng số 91.500 tấn hải sản khai thác mỗi năm của toàn tỉnh thì tổng lượng khai báo, kiểm soát tại cảng này chỉ có gần 1.800 tấn”, ông Định nói.
Với những hạn chế cơ bản trên thì nhìn chung, nghề cá ở Quảng Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến yêu cầu của EC trong việc chống khai thác IUU.
Nỗ lực triển khai chống IUU
Trước thực trạng trên, ngành thủy sản Quảng Nam cho biết, đã và đang ra sức triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch để thực việc chống khai thác IUU.
Theo đó, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 28 lớp tập huấn, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, các quy định về chống khai thác IUU, Luật thủy sản 2017… với 1.600 lượt người tham dự. Qua đó đã phát huy hiệu quả nhận thức của người dân trong việc tham gia khai thác hải sản trên biển. Trong vòng 5 năm qua Quảng Nam không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao cho Sở NN-PTNT trong công tác kiểm tra, hướng dẫn về chống khai thác IUU, trong đó có việc chủ trì phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban Quản lý Cảng cá An Hòa triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu xuất bến; kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập bến, lên cá; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm luật Thủy sản trên biển đảm bảo theo đúng quy trình.
Trước những vướng mắc lớn ngành Thủy sản Quảng Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm giấy phép. Tỉnh cũng tăng cường bố trí lực lượng cán bộ theo dõi và giám sát thường xuyên hoạt động, hành trình của các tàu cá trên biển, nhất là các tàu cá hoạt động tại các vùng biển xa để có cảnh báo kịp thời đến chủ tàu khi gần đến ranh giới vùng biển nước ngoài. Cùng với đó phối hợp với các nậu, vựa thu mua để nắm cụ thể sản lượng khai thác…
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT khẳng định: “Chúng tôi đã và đang ra sức triển khai các biện pháp để nghiêm túc thực hiện việc chống khai thác IUU”