‘Cuộc chiến lãnh sự quán’ và tương lai quan hệ Mỹ-Trung
Quan hệ Mỹ-Trung bước sang ngưỡng căng thẳng mới với quyết định của Mỹ cho đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Đáp lại, Trung Quốc buộc cơ quan lãnh sự Mỹ tại Thành Đô phải ngừng hoạt động.
Lý giải cho quyết định của mình, giới chức Mỹ cho rằng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là “ổ hoạt động tình báo” – như lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Nhà Trắng cũng có ý đề cập đến hoạt động do thám, gián điệp của cơ sở ngoại giao này khi nói rằng đóng cửa là để “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống đánh cắp công nghệ”.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ nhìn nhận còn một số điểm chưa rõ ràng trong hành động của Mỹ. Ngoài Houston, Trung Quốc có 4 lãnh sự quán khác đặt tại New York, Chicago, Los Angeles và San Francisco.
Việc chọn Houston để gắn cáo buộc “Trung Quốc hoạt động tình báo” không thực sự thuyết phục. Theo tờ Foreign Policy (FP), hoạt động do thám của Bắc Kinh tại Mỹ tập trung mạnh nhất ở San Francisco, kế đó là New York và Chicago.
Dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên, FP cho biết đề xuất ban đầu được đưa lên nhắm đến đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, nhưng không được chấp nhận do quy mô và tầm mức quan trọng của cơ sở này. Đây là nơi tập trung một lượng lớn người Mỹ gốc Hoa, phần lớn thị thực được xử lý tại bộ phận lãnh sự. Trong khi đó, “mục tiêu” tại Houston ít có giá trị hơn, do nơi đây chủ yếu xử lý giấy tờ thị thực qua mạng.
Giới phân tích cũng có nhận định về đòn trả đũa “leo thang có kiểm soát” của Trung Quốc khi yêu cầu Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán tại Thành Đô. Cơ quan lãnh sự này đi vào hoạt động từ năm 1985, phụ trách Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và vùng Tây Tạng. Tầm mức quan trọng của Thành Đô được đánh giá là thấp hơn so với các lãnh sự quán khác của Mỹ đặt tại Trung Quốc.
Bắc Kinh đáp trả tương đối kiềm chế, khi nhằm vào Lãnh sự quán Thành Đô, thay vì các cơ sở lãnh sự khác của Mỹ ở Quảng Đông, Thượng Hải hay Thẩm Dương. “Nếu Trung Quốc đi theo cách thức của ông Trump, chúng tôi có thể buộc đóng cửa Lãnh sự quán của Mỹ ở Hong Kong – một cú đánh thực sự nhằm vào Mỹ vì can dự trong vấn đề Hong Kong”, Shen Yamei, học giả chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định.
Ông Wang Yiwei, nguyên là nhà ngoại giao và hiện là giáo sư, Viện trưởng Viện Vấn đề Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Thủ đô Bắc Kinh cũng có nhận định tương tự. “Không thể có hành động đáp trả cân xứng tuyệt đối. Nhưng lựa chọn Thành Đô cho thấy Trung Quốc muốn giảm tác động tiêu cực đến quan hệ song phương. Hoạt động của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô không thực sự nổi bật nhất trong phái bộ của Mỹ ở Trung Quốc, như trong tương quan so sánh với Thượng Hải”, Wang Yiwei bình luận.
Giới học giả tại cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận định, quan hệ Mỹ-Trung hiện rơi xuống ngưỡng thấp nhất kể từ năm 1972. Hành xử trong vụ “lãnh sự quán” cho thấy hai bên hành động “có kiểm soát” nhất định. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột trên một loạt các vấn đề từ thương mại, công nghệ, tự do báo chí, tôn giáo, Covid-19… sẽ sớm chấm dứt.
“Quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi. Nhưng chúng ta vẫn chưa tiến đến điểm tồi tệ nhất”, Cheng Xiaohe, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định. Theo ông, “điểm đáy” sẽ được xác định bởi hai yếu tố: Đóng cửa sứ quán tại mỗi nước, hoặc là một cuộc va chạm quân sự dù là vô tình hay chủ ý.
Giáo sư người Trung Quốc cho rằng, cả Washington và Bắc Kinh đều biết rõ họ đang đi sai hướng, sẽ tốt hơn nếu cả hai cùng dừng lại và thay đổi. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng ở bên ngoài để đánh loãng sự chú ý của người Mỹ đối với các vấn đề trong nước, thu hút sự ủng hộ của cử tri trước kỳ bầu cử dự kiến diễn ra trong tháng 11 tới.
Về phần mình, như để minh chứng cho xu thế không thể hàn gắn được trong quan hệ Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa mới có bài phát biểu mang tính tổng kết chấm dứt kỉ nguyên hợp tác được hình thành từ năm 1979, chỉ trích Trung Quốc bằng những ngôn ngữ mạnh mẽ.
Phát biểu tại Thư viện Richard Nixon ở Yorba Linda, California ngày 23/7, ông Pompeo tuyên bố mô thức cũ về can dự “mù quáng” với Trung Quốc như trong năm thập kỉ qua sẽ không mang lại hiệu quả. Mỹ không được phép làm vậy, không được quay trở lại con đường cũ. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi “thế giới tự do” cùng hợp sức để buộc Trung Quốc phải thay đổi theo cách thức quyết liệt và sáng tạo hơn.