Ngư dân gặp khó trong chuyển đổi nghề giã cào
Thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, các cơ quan chức năng bắt giữ nhiều tàu cá khai thác giã cào trái phép. Cùng với việc xử lý vi phạm, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Lọc nước lấy cá là cách nói ví von của ngư dân đối với nghề giã cào hay còn gọi là nghề lưới kéo. Với kiểu đánh bắt tận diệt này khiến cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt …
Từ năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo về tác hại của nghề giã cào và chỉ đạo các địa phương không cấp phép, cải hoán đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, giã cào. Là địa phương có số lượng tàu hành nghề giã cào khá cao, năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng đóng mới tàu cá hành nghề giã cào và khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện chuyển sang ngành nghề khai thác khác.
Quảng Ngãi hiện có hơn 1.600 tàu giã cào. Do ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương cắt giảm số lượng tàu cá hành nghề giã cào (lưới kéo), xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các nghề khác thân thiện với môi trường, tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khó khăn.
Tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, một trong những địa phương có lượng tàu giã cào nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 200 tàu phải nằm bờ.
Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ thông tin, nhiều con tàu đóng mới với trị giá lên đến vài tỷ đồng nhưng khi rao bán chỉ được vài trăm triệu đồng, thậm chí chẳng có người mua. Không ít chủ tàu rơi vào tình cảnh không có tiền trang trải cuộc sống.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định tạm dừng triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các nghề do nguồn lực chưa đáp ứng được việc thực hiện chính sách. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, kém ổn định nên nguồn thu của tỉnh hạn chế. Mặt khác, chính sách này hỗ trợ ngư dân chỉ được một phần để khuyến khích, động viên chuyển đổi nghề; còn phần lớn ngư dân vẫn phải tự mua sắm, cải hoán trang thiết bị cho phù hợp.
“Điều đáng nói là mỗi vùng miền lại có một cách đánh bắt truyền thống khác nhau nên khi đang thạo nghề giã cào lại chuyển sang nghề khác thì ngư dân lại làm không được, buộc phải có thời gian dài để thích ứng. Đó là điều rất trăn trở”, ông Mười cho biết thêm.
Còn ngư dân Huỳnh Văn Phong chia sẻ, cách nhanh nhất, ít tốn kém chi phí nhất là chuyển từ nghề giã cào sang nghề câu vây. Nhưng nghề này đối với ngư dân Quảng Ngãi lại hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm nên việc ra khơi gặp rất nhiều khó khăn, có những chuyến biển làm ăn thua lỗ. Vì thế, chỉ có một số ít chuyển đổi nghề, còn lại đều neo tàu tại cảng. Việc lâu ngày không hoạt động cũng khiến tàu xuống cấp mau chóng.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi hiện đã định hướng quy hoạch phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững thông qua việc đẩy mạnh phát triển lượng tàu khai thác xa bờ, cắt giảm lượng tàu giã cào xuống còn 25%.
Cùng với đó, tập trung quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền; quy hoạch cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá; quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung; quy hoạch cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản và hạ tầng khác.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách mới về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, hạ tầng thủy sản theo hướng mở rộng xã hội hóa. Qua đó, thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào phát triển thủy sản, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời ,đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tăng cường các giải pháp về tổ chức bộ máy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu; cũng như các giải pháp về tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư.