Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông: Cần khai thác du lịch bền vững

Minh Quân (thực hiện) 25/07/2020 10:27

Việc được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) giúp Đắk Nông có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch. Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định với Đại Đoàn Kết như vậy.

Ông Mai Phan Dũng.

PV: Thưa ông, để có được danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu, Đắk Nông phải cam kết gì?

Ông Mai Phan Dũng: Để được công nhận CVĐCTC, tỉnh Đắk Nông sẽ phải có những cam kết với UNESCO trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị danh hiệu. Các cam kết của địa phương với UNESCO bao gồm công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế một cách rõ ràng, dành các nguồn lực để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Việc thực hiện các cam kết trong quá trình vận hành CVĐCTC sẽ là đóng góp quan trọng vào quy hoạch phát triển chung của tỉnh theo hướng bền vững.

Xin ông cho biết, một công viên địa chất đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ phải như thế nào?

- CVĐCTC là mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các di sản địa chất có giá trị khoa học cao, phục vụ nghiên cứu và bảo tồn, từ đó có những biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ kinh tế cho cộng đồng.

Theo quy định của UNESCO, các tiêu chí để trở thành một CVĐCTC phải là khu vực thống nhất chứa đựng các di sản địa chất, cảnh quan có giá trị quốc tế do các chuyên gia khoa học độc lập xác nhận và quản lý bằng một khái niệm tổng thể gắn kết công tác bảo tồn với giáo dục và phát triển bền vững, có kích thước phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển bền vững; nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt các dân tộc thiểu số, về lịch sử Trái đất, tai biến địa chất và sự cần thiết sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Đây phải là khu vực có cơ quan quản lý đủ tư cách pháp nhân, được công nhận theo luật pháp quốc gia. Theo đó CVĐC cần có một Ban Quản lý được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển kinh tế cũng như vận hành CVĐCTC theo đúng các quy định của UNESCO. Thứ nữa, cộng đồng địa phương, đặc biệt cộng đồng dân tộc thiểu số phải được tham gia vào các hoạt động của công viên.

Với riêng CVĐC Đắk Nông có những điểm khác biệt so với các CVĐC trên thế giới. Đó là, ngoài giá trị địa chất, núi lửa, CVĐC Đắk Nông còn có giá trị văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua từ “Đắk”. “Đắk” theo tiếng của người dân tộc M’Nông - một tộc người bản địa lớn nhất và lâu đời nhất trên vùng đất này - vừa có nghĩa là “nguồn nước” lại vừa có nghĩa là “nguồn sống”. “Đắk Nông” nghĩa là vùng đất sinh sống của người M’Nông, với hàng trăm địa danh ở khu vực này bắt đầu bằng từ “Đắk”.

CVĐC Đắk Nông cũng không kém phần nổi tiếng bởi những bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng và độc đáo về văn hóa bản địa với 3 dân tộc chính là M’Nông, Mạ và Ê-đê cùng với 40 dân tộc thiểu số đã di cư và sinh sống tại đây, với di sản văn hóa phi vật thể “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận năm 2005.

Công viên địa chất Đắk Nông.
Công viên địa chất Đắk Nông.

Theo ông, chúng ta sẽ phải làm gì để bảo tồn và phát triển di sản địa chất?

- Một mặt chúng ta cần phát huy tốt danh hiệu để phát huy giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mặt khác cần làm tốt công tác bảo tồn và thực hiện các cam kết với UNESCO.

Chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản tự nhiên, địa chất địa mạo thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVÐC tại cộng đồng. Đối với các địa phương sở hữu di sản địa chất của Việt Nam hiện nay như Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông là địa phương ở vùng cao, Tây Nguyên, bởi vậy cần đề cao vai trò văn hóa bản địa.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐCTC. Trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch là đặc thù của địa phương để nâng cao tính cạnh tranh, tạo dấu ấn riêng mang tầm vóc quốc gia. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp bảo tồn các giá trị di sản địa chất, giảm thiểu tối đã những tác động tiêu cực tới di sản địa chất, cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một Ban Quản lý CVĐC với bộ máy phù hợp, đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐCTC.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)