Nuôi cá lồng
Nuôi cá lồng đem lại lợi nhuận cao, tuy rằng mức đầu tư khá lớn. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ việc nuôi cá lồng.
Tới nay, việc nuôi cá lồng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã dần phổ biến. Với dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017 - 2019 đã xây dựng được 21 mô hình tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc (gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Cao Bằng).
Trên thực tế, nuôi cá lồng trên sông, trong lòng hồ đã được bà con nhiều nơi phát triển. Nuôi cá lồng đem lại lợi nhuận cao, tuy rằng mức đầu tư khá lớn. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ việc nuôi cá lồng. Về mặt kinh tế, việc này cho lợi nhuận bình quân trên 600.000 đồng/m3. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng cũng cần lưu ý với các tỉnh phía Bắc khi từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm thường xảy ra mưa lũ, kể cả mùa đông kéo dài. Vì vậy, các hộ cần chuẩn bị tu sửa, gia cố lồng bè chắc chắn hoặc có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế rủi ro.
Trở lại với dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”, thì với cá tầm, việc sinh trưởng và phát triển của cá tốt, trọng lượng bình quân sau 12 tháng nuôi đạt 1,8 - 2 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Riêng tại Tuyên Quang, cá tầm đạt trên 2 kg/con, năng suất trên 21 kg/m3. Với cá diêu hồng, sau 6 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 600 - 700 g/con, tỷ lệ sống khoảng 80%, năng suất trên 44 kg/m3. Cá lăng, sau 10 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 1,5 - 1,8 kg/con, tỷ lệ sống trên 80%, năng suất khoảng 12 kg/m3.
Trong những địa phương người dân phát triển nuôi cá lòng hồ, thì tại Hòa Bình có thể coi là tiêu biểu. Ngay từ giữa năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu hướng đến năm 2020 có 3.500 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi, khai thác đạt 5.600 tấn, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động. Riêng huyện Đà Bắc với diện tích hồ nuôi trồng thủy sản khoảng 82 ha, phát triển 1.300 lồng cá, tập trung ở các xã Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng, Hiền Lương… sản lượng thủy sản đạt trên 1.000 tấn.
Những năm qua, xã Hiền Lương luôn là xã đi đầu trong việc vận động nhân dân không sử dụng kích điện và các phương tiện vật liệu nổ để đánh bắt cá được các hộ dân ủng hộ, thực hiện khá tốt. Cũng chính từ đó mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững. Đáng chú ý, việc nuôi cá lồng trong lòng hồ đã thu hút được nhiều lao động trẻ, giải quyết việc làm ngay tại chỗ cho thành niên nông thôn.
Tuy nhiên, để thu được nhiều thành công thì rất cần chú ý đến kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Trong đó có việc tìm vị trí đặt lồng, thả cá giống, quản lý, chăm sóc…
Khi đặt lồng, người nuôi cần lưu ý đặt ở nơi thông thoáng, có dòng nước luôn lưu thông, tốc độ chảy đạt 0,2 - 0,3 m/s, nước sạch không bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, nước sinh hoạt. Độ sâu từ 3 m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5 m. Không đặt lồng ở nơi nước đứng hoặc nước chảy xiết, những khúc sông hay bị sạt lở. Vị trí đặt lồng phải thuận lợi giao thông để thuận tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.
Một điểm nữa cũng rất cần chú ý là diện tích lồng bè chiếm không quá 0,2% diện tích khu vực mặt nước lúc cạn nhất. Cụ thể, trên một đoạn sông dài 1.000 m, rộng 500 m chỉ được phép đặt 100 lồng, mỗi lồng diện tích 10 m2/lồng. Lồng có diện tích 10 m2 đặt thành từng lồng, mỗi cụm lồng có 15 - 20 lồng, khoảng cách giữa các cụm lồng là 300 - 500 m. Các lồng phải được đặt so le để tạo sự lưu thông cho dòng chảy, khoảng cách giữa các lồng là 10 - 15 m, đáy lồng cách mặt đáy sông không nhỏ hơn 0,5 m.