Nghĩa tình 'mùa tri ân'
Tháng bảy lại về bồi hồi xúc động. Trên khắp các nẻo đường, những giai điệu về một thời gian lao mà anh dũng vang lên. Nhớ lại thời hào hùng ấy, không thể không lắng lòng trước những hy sinh không thể đo đếm của những con người đã dâng hiến thân mình cho đất nước.
Đã 45 năm ngày chiến tranh chống Mỹ cứu nước kết thúc, vết thương vẫn chưa thể lành. Những con đường từ phố đến quê ở Vĩnh Phúc những ngày này cũng thế.
Vĩnh Phúc là một tỉnh đất không rộng người không đông nhưng cũng có tới 1.600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Con số ấy phần nào nói lên những hy sinh mà người dân mảnh đất này phải chịu đựng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Hữu là một trong số ấy. Chiến tranh xảy ra, mẹ Hữu tiễn chồng lên đường. Đó cũng là lần cuối hai vợ chồng gặp nhau khi chồng mẹ nằm lại chiến trường. Gác lại nỗi đau nuôi con khôn lớn, mẹ lại tiễn người con trai lớn ra trận.
Năm 1968, mẹ lại chết lặng người khi nhận được tin báo tử. Chồng, con đều hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng nỗi đau ấy nguôi ngoai phần nào khi suốt những năm qua, mẹ luôn được sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như cả cộng đồng. Điều đó cũng góp phần giúp mẹ khoẻ mạnh, minh mẫn dù đã sang tuổi 100. Mẹ Hữu tâm sự: “Giờ mẹ luôn được các cơ quan, đoàn thể thăm nom, được các đơn vị nhận phụng dưỡng nên mẹ vui lắm”.
Mẹ Đỗ Thị Hữu là một trong số 38 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngay từ đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức báo, đài, băng rôn, pa-nô về ý nghĩa ngày Thương binh - Liệt sĩ.
MTTQ các cấp tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng và sử dụng hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2020. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai hỗ trợ khẩn cấp các gia đình người có công, ngoài gói hỗ trợ do Chính phủ quy định; tổ chức lễ cất bốc, bàn giao hài cốt liệt sĩ cho Ban Chỉ đạo các địa phương…Đặc biệt, trong tháng 7 này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức các buổi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công; tổ chức viếng các nghĩa trang trong và ngoài tỉnh; tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ…
Một trong những địa phương luôn sát sao trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa những năm qua là huyện Vĩnh Tường. Từ năm 2010 đến nay, huyện Vĩnh Tường đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới 125 nhà ở cho người có công với kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ xây mới 62 nhà với kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng, sửa chữa 59 nhà với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; phối hợp với Quỹ nhân ái Nguyễn Thái Học hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 27 nhà cho gia đình chính sách người có công với số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức đưa đón 772 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Sầm Sơn -Thanh Hóa; 1.764 người có công điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo. Trong năm 2019, huyện Vĩnh Tường đã thực hiện cấp kinh phí trợ cấp một lần và trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng gia đình chính sách người có công với tổng kinh phí là hơn 102 tỷ đồng.
Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ, huyện Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện tốt các chương trình công tác thương binh xã hội đã đề ra từ đầu năm, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, những việc làm cụ thể huyện Vĩnh Tường sẽ làm là tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng người có công trên địa bàn huyện. Tối 26/7 này, dự kiến, tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện sẽ được thắp sáng bởi những ngọn nến trong chương trình Thắp nến tri ân. Hoạt động này nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình người có công, gia đình chính sách không chỉ được hưởng chế độ của nhà nước nói chung, với sự vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tham gia đỡ đầu các Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công.
Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện Tam Dương luôn tích cực tuyên truyền ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ đến toàn dân. Hàng năm, các đối tượng chính sách, người có công đi điều dưỡng tập trung, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chế độ; việc vận động nhân dân tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được huyện chú trọng…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tam Dương Bùi Thị Thủy, năm nay, huyện Tam Dương triển khai nhiều hoạt động thiết thực như huy động mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện 5 chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có công với cách mạng; quản lý, chăm sóc mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đảm bảo khang trang, sạch đẹp...
Trên địa bàn huyện Bình Xuyên có hơn 1.500 liệt sĩ, 850 thương binh, bệnh binh và hàng trăm gia đình có công với cách mạng. Huyện đã huy động hơn 100 triệu đồng nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có công; tu sửa, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ…
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lác (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) tâm sự: “Mẹ có con trai duy nhất hy sinh trong chiến tranh biên giới Việt -Trung năm 1979. Nhưng nay mẹ được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nên mẹ luôn căn dặn con cháu phải phát huy truyền thống cách mạng của gia đình để xây dựng đất nước, quê hương”.
Đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ với bao đau thương, mất mát. Tiếp đó là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, tuy ngắn ngày, nhưng bao người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống, biết bao người phải bỏ lại một phần cơ thể vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tháng 7 là tháng nghĩa tình, tháng tri ân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Thực hiện các hoạt động tri ân là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đồng thời, cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ giá trị của độc lập, giá trị của hòa bình hôm nay. Vĩnh Phúc mùa tri ân, cũng là mùa để thắp lên ngọn lửa truyền thống của dân tộc.