Ông Nguyễn Hữu Tín vi phạm pháp luật như thế nào?

Đại Dương 26/07/2020 09:00

Đang từ đỉnh cao danh vọng với vị trí là Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Hữu Tín liên tiếp mắc các sai lầm nghiêm trọng, để rồi đoạn cuối cuộc đời dính vào vòng lao lý.

Trong khi ông đang thụ án và đối mặt với việc bị truy tố vụ án khác thì mới đây, ông tiếp tục bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Một kết cục “đắng”.

Ông Nguyễn Hữu Tín.

Cho thuê nhà đất công sản với giá “bèo”

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”- Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79), Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM.

Theo tài liệu điều tra xác định, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký một số văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị được giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách, Quận 1, TP HCM để phục vụ nghiệp vụ ngành công an.

Tuy nhiên, sau khi được UBND TP HCM giao nhà đất số 15 Thi Sách, Phan Văn Anh Vũ không sử dụng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành công an, mà hợp tác triển khai thực hiện dự án nhằm mục đích thu lợi cá nhân.

Ông Nguyễn Hữu Tín vào thời điểm này đang là Phó Chủ tịch UBND TP HCM phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường, có nhận thức rõ nhà đất 15 Thi Sách là tài sản sở hữu nhà nước, việc tham mưu sắp xếp xử lý thuộc trách nhiệm của Sở Tài chính TP HCM. Tuy nhiên, khi tiếp nhận đề nghị, ông Tín đã trực tiếp bút phê chỉ đạo giao Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thủ tục.

Tiếp đó, Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TNMT), Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TNMT) tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 6,7 tỷ đồng và hơn 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất nhà nước chưa thu hồi được.

Đồng thời, cơ quan điều tra xác định Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 không phải là đối tượng được thuê, giao chỉ định đất không qua đấu giá. Tuy nhiên, với sự tiếp tay của các cá nhân nêu trên, công ty này đã thành lập liên doanh thực hiện dự án, bán các căn hộ và thu được hơn 1.033 tỷ đồng. Từ ngày 26/12 đến ngày 30/12/2019, TAND TP HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm.

Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Hữu Tín đã thừa nhận hành vi của mình theo cáo trạng truy tố là đúng.

HĐXX cho rằng đủ cơ sở xác định ông Tín đã sai trong quá trình bút phê giao cấp dưới tham mưu rồi ký duyệt giao nhà, đất 15 Thi Sách cho công ty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” thuê. HĐXX đã quyết định tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù.

Khu nhà đất “vàng” số 15 Thi Sách, Quận 1, TPHCM.

Tiếp tay chuyển “đất vàng” cho tư nhân

Không chỉ mắc sai phạm liên quan đến nhà đất số 15 Thi Sách, Quận 1, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng dính líu đến sai phạm nghiêm trọng tại khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1.

Mới đây, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSNS Tối cao truy tố ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai”.

Theo tài liệu điều tra, khu đất 6.000 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa bậc nhất TP HCM. Sau năm 1975, khu đất được giao cho Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý. Năm 2007, công ty này cổ phần hóa thành Tổng Công ty Sabeco và Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn góp tại Sabeco (89,5%), quản lý vốn nhà nước thông qua bộ phận quản lý vốn nhà nước gồm nhiều cá nhân.

Theo đề nghị của Sabeco, tháng 12/2007, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý chủ trương cho công ty này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm thương mại hội nghị, cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Để thực hiện dự án, Tổng công ty Sabeco liên doanh với nhiều nhà đầu tư thành lập Công ty liên doanh Sabeco Land.

Năm 2011, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Tổng Công ty Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo giá thị trường là 1.236 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sabeco không thực hiện.

Tháng 9/2012, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) có công văn đề nghị Bộ Công thương làm việc với UBND TP HCM, cho công ty được gia hạn nộp tiền quyền sử dụng đất. Do việc hợp tác không hiệu quả, các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính nên Công ty liên doanh Sacbeco Land sau đó giải thể.

Tháng 4/2014, bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco do ông Tuất và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập công ty cổ phần để tiếp tục thực hiện dự án nhằm tránh lãng phí sử dụng khu đất.

Phương án được đề xuất là Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỷ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn. Các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ. Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần này.

Ngày 17/6/2014, ông Phan Chí Dũng (Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ) tham mưu cho bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương) trả lời đề xuất của Sabeco. Bà Thoa yêu cầu Dũng báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước khi bà ký văn bản.

Ít ngày sau, bà Thoa ký công văn đồng thời bổ sung ý kiến của Bộ trưởng vào văn bản Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án...Bộ phận quản lý vốn nhà nước có ý kiến với HĐQT và Ban điều hành khẩn trương triển khai dự án.

Được lãnh đạo Bộ Công thương chấp thuận chủ trương, Tổng Giám đốc Sabeco đề nghị UBND TP HCM xác định lại giá trị quyền sử sụng đất. Đồng thời, chủ tịch Bộ phận vốn góp nhà nước tại Sabeco cũng trình lãnh đạo Bộ Công thương về việc chọn các nhà đầu tư mới.

Tháng 2/2015, đại diện của Sabeco đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An. Công ty CP đầu tư Mê Linh thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỷ đồng.

Sau đó, ông Phan Đăng Tuất với tư cách là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sabeco ký công văn đề nghị UBND TP HCM duyệt cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được nộp tiền quyền sử dụng đất.

Ngày 10/4/2015, ông Nguyễn Hữu Tín giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1, nghiên cứu đề xuất của Sabeco. Ngày 30/6/2015, ông Tín ký công văn chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỷ đồng (thấp hơn giá Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân duyệt trước đó là 1.236 tỷ đồng), trong thời hạn 50 năm.

Một tuần sau, ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở TNMT) ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho Công ty Sabeco Pearl.

Theo đề xuất của lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc, ông Tín sau đó tiếp tục ký công văn chấp thuận về việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng bổ sung thêm chức năng căn hộ ở cho dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngày 6/1/2016, sau khi được TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl đứng tên khu đất và điều chỉnh công năng dự án, bà Huỳnh Phương Thảo (Chủ tịch HĐQT Công ty Attland), Võ Thị Kim Thoa (Chủ tịch HĐQT Công ty Hà An), ông Lý Trường An (Chủ tịch HĐQT Công ty Mê Linh) cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đến ngày 15/1/2016, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Vũ Huy Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco. Ít ngày sau, ông Phan Chí Dũng báo cáo ông Hoàng và bà Thoa là việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đồng thời đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thực hiện các thủ tục và phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl.

Theo kết quả thẩm định giá, 14,7 triệu cổ phần của Sabeco sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch bổ sung chức năng căn hộ có giá 14.433 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, Phan Chí Dũng báo cáo ông Hoàng và đề xuất phê duyệt giá 13.247 đồng/cổ phần (chưa được bổ sung chức năng căn hộ) làm giá sàn để thực hiện thoái vốn.

Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều có ý kiến và chỉ đạo phê duyệt giá sàn là 13,247 đồng/cổ phần. Theo đó, 26% vốn của Sabeco đã được Công ty Attland mua lại với tổng giá trị 196,645 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đổi tên Công ty Sabeco Pearl thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh. Những người đại diện phần vốn góp nhà nước tại Sabeco lúc này cũng hết nhiệm vụ. Hiện, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Theo cơ quan giám định, giá trị quyền sử dụng đất thời điểm Bộ Công thương phê duyệt giá sàn 13.247 đồng/cổ phần (1/4/2016) theo chỉ tiêu quy hoạch của thành phố có thêm chức năng căn hộ ở là hơn 2.505 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án tháng 11/2018 là hơn 3.816 tỷ đồng. Đây cũng là hậu quả thiệt hại cơ quan điều tra xác định do hành vi sai phạm của những người liên quan trong vụ án gây ra.

Vào tháng 11/2018, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Hữu Tín về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai” theo Điều 229 BLHS 2015. Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Tín và đồng phạm phê duyệt cho Công ty Sabeco Pearl thuê và cấp giấy chứng nhận khu đất thay cho Sabeco là không đúng quy định. Bởi Sabeco Pearl không thuộc đối tượng được thực hiện hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Đại Dương