Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

26/07/2020 14:08

Tăng cường hỗ trợ, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, mạnh tay đưa ra khỏi chương trình những sản phẩm không đạt chuẩn... là giải pháp của Chương trình OCOP nhằm thắt chặt, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh.

Tăng cường các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh giúp các doanh nghiệp quan tâm tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. (Trong ảnh: Hội chợ OCOP hè 2020).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) tỉnh Quảng Ninh đã phát triển thêm được 70 sản phẩm tham gia chương trình, vượt 20 sản phẩm; nâng tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP lên 435 sản phẩm. Đồng thời cũng có thêm 23 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP (tăng 4 tổ chức so với cùng kỳ năm 2019), nâng tổng số tổ chức tham gia OCOP toàn tỉnh Quảng Ninh là 172 đơn vị.

Chia sẻ về việc thắt chặt chất lượng sản phẩm OCOP, ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng NTM, chia sẻ: Với quy mô và ảnh hưởng tích cực của chương trình, việc giám sát, quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là việc làm quan trọng. Nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt này được thực hiện bằng các giải pháp, hoạt động thiết thực, cụ thể.

Trước hết có thể thấy, đó là việc đánh giá sản phẩm OCOP có nhiều đổi thay, ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn. Điểm mới năm nay là việc xây dựng phần mềm chấm điểm phục vụ Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp. Việc thi xét duyệt và đánh giá sản phẩm theo hình thức mới sẽ giúp các doanh nghiệp giảm tải việc chuẩn bị, photo tài liệu. Hình thức thi này giúp việc đánh giá thuận lợi, việc lưu trữ, tra cứu dễ hơn đồng thời cũng công khai minh bạch, chính xác hơn qua phần mềm tự động.

Ngoài ra, từ năm 2020, việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, bãi bỏ Quyết định số 978/QĐ-UBND tỉnh ngày 30/3/2018 về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020. Đây là năm đầu tiên Bộ tiêu chí mới của trung ương bắt đầu đưa vào đánh giá các sản phẩm OCOP. Điều này cho phép các tiêu chuẩn thống nhất trong toàn quốc với 3 nhóm về chất lượng, sức mạnh cộng đồng và khả năng thương mại hóa.

Theo đó, các sản phẩm OCOP từ 3-4 sao sẽ do tỉnh cấp chứng nhận. Các sản phẩm đạt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn 5 sao sẽ do cơ quan chức năng trung ương cấp xếp hạng cấp Quốc gia. Những thay đổi này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần tập trung, nghiêm túc kiểm soát tốt, cải tiến chất lượng sản phẩm OCOP của mình.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát, thắt chặt chất lượng sản phẩm OCOP cũng được thực hiện ở khâu xúc tiến thương mại. Theo đó, ngoài các Hội chợ, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP, các đơn vị chức năng cũng tổ chức các cuộc xúc tiến, đưa sản phẩm đi các tỉnh ngoài.

Đáng chú ý là các hoạt động xúc tiến này đều thực hiện trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng tốt, luôn chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, quan tâm tới các yếu tố như: tem, nhãn mác, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Một trong những giải pháp mạnh mẽ mà các cơ quan chức năng thực hiện là công tác giám sát, thanh kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP.

Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 1 đợt thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh sản xuất đồng thời kiên quyết tạm dừng các sản phẩm không đạt chất lượng, giảm chất lượng so với cam kết và cho ra khỏi chương trình OCOP. Đơn cử như, đợt kiểm tra đầu năm đã tạm dừng sản phẩm Tinh dầu trầu tiên Yên Tử do không đạt chất lượng cam kết. Sau một thời gian khắc phục khuyết điểm, cho tới nay, sản phẩm đã được quay trở lại chương trình.

Với cách làm như vậy, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao 2016. Ban Xây dựng NTM đã quyết định đưa 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi Chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển để đánh giá phân hạng.

Có thể thấy, đây là những giải pháp mạnh tay, thúc đẩy các doanh nghiệp luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật... Nhờ đó cho tới nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư dây chuyền mới. Ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP được cơ quan chức năng đánh giá, lựa chọn; được các đơn vị kinh doanh, chuỗi cung ứng lớn lựa chọn. Theo kết quả sơ bộ thì hết năm 2019, đã có 32 mã sản phẩm OCOP được bổ sung vào chuỗi cung ứng của Big C và các siêu thị, hệ thống cung cấp khác.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, các đơn vị doanh nghiệp OCOP cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động của dịch Covid-19. Nhiều vấn đề, tồn tại trong việc thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác phối hợp, vận dụng cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế...

Để thúc đẩy chương trình, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, theo lãnh đạo Ban Xây dựng NTM, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm soát tốt, khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Tiếp tục tập trung tốt cuộc thi đánh giá xếp hạng; đánh giá Đề án OCOP giai đoạn 2017- 2020 và triển khai Đề án OCOP giai đoạn 2021- 2025.

Mở rộng đưa vào các chính sách mới; ứng dụng sản phẩm công nghệ mới của các đơn vị, tập đoàn quan tâm tới chương trình nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại...