Phải biến rác thải thành tài nguyên

H.Vũ (thực hiện) 27/07/2020 06:18

Rác thải tại các thành phố lớn đang là vấn đề “nóng”. Vậy, làm sao để giải quyết? Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng cần áp dụng những công nghệ mới để giảm nhu cầu chôn lấp chất thải.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi.

PV: Việc rác thải tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng được xử lý bằng việc chôn lấp đang không nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương; điều đó cũng cho thấy những bất cập trong vấn đề xử lý rác hiện nay tại Việt Nam. Vậy phải chăng vấn đề xử lý rác thải đang có vấn đề, thưa bà?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Đúng là có những bất cập. Vì chủ yếu chúng ta hiện nay xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp. Những bãi chôn lấp hợp vệ sinh đã lỗi thời song vẫn được áp dụng phương pháp chôn lấp. Bãi chôn lấp hợp vệ sinh có nhiều ưu điểm hơn bãi chôn lấp không hợp vệ sinh nhưng lại chiếm tỷ lệ diện tích đất khá lớn. Nhất là rác chưa được phân loại tại nguồn để có thể tận dụng tối đa phần rác có khả năng tái chế, tái sử dụng lại.

Cho nên khối lượng rác nhiều, dẫn đến diện tích chôn lấp ngày càng tăng, và đang trong tình trạng báo động, thiếu đất chôn lấp. Vì thế phải có những biện pháp khẩn cấp để áp dụng công nghệ xử lý rác để làm sao giảm thiểu lượng rác buộc phải chôn lấp.

Ví dụ tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh chúng ta đã nhìn thấy điều đó. Bãi rác Nam Sơn gần như sắp hết diện tích lấp đầy, chỉ đến cuối năm nay không còn chỗ để chôn lấp nữa. Việc tìm những khu đất chôn lấp mới không còn, hoặc không được sự đồng thuận của địa phương và người dân.

Tại Nam Sơn đang phấn đấu có nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng, có công suất lên đến 4.000 tấn song hiện nay đang trong quá trình xây dựng. Nếu như nhà máy này thành công, đi vào vận hành sẽ giảm đáng kể lượng rác cần phải chôn lấp. Nghĩa là lượng chất tro, xỉ chôn lấp chỉ còn 10-20% lượng rác ban đầu. Như vậy giảm 1/5 diện tích nhu cầu chôn lấp.

Đó là vấn đề cần tiến hành nhanh, nhất là tại các đô thị lớn vì diện tích đất chôn lấp ngày càng thu hẹp, và chúng ta cần áp dụng những công nghệ mới để giảm nhu cầu chôn lấp chất thải.

Theo bà, chúng ta có nên duy trì mô hình chôn lấp rác thải hay nên phân loại để đốt rác?

- Tôi cho rằng cần giải pháp tổng hợp. Nghĩa là dù có đốt chất thải thì vẫn còn một lượng chất thải không thể đốt được. Sản phẩm của quá trình cháy là tro, xỉ và cũng không an toàn về mặt môi trường. Cho nên vẫn còn một nhu cầu nhất định lượng chất thải phải chôn lấp do không đốt được, tái sử dụng được cho mục đích gì đó. Và vẫn còn loại sản phẩm của quá trình cháy mà không sử dụng được.

Do đó đương nhiên phương pháp chôn lấp vẫn còn, và sẽ còn. Có ý kiến cho rằng đổ, nhận chìm xuống biển nhưng tôi cho rằng không nên, chưa phải phương án hay. Đừng biến ô nhiễm trên đất liền trở thành ô nhiễm biển.

Vì vậy công nghệ sắp tới cần hướng đến là phối hợp của nhiều công nghệ khác nhau, với từng loại chất thải khác nhau để giảm tối đa lượng rác thải chôn lấp. Chứ không chôn lấp như bây giờ, rác cứ thu gom về xong đem chôn tất.

Thực tế thì việc phân loại rác tại nguồn đã được đặt ra nhưng tại sao không hiệu quả, thưa bà?

- Không hiệu quả vì không đồng bộ. Chúng ta đã có một vài mô hình ban đầu, thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương. Quá trình chia rác ra phân loại ra từng loại như: Loại có thể tái sử dụng được; loại có thể dùng làm phân vi sinh; loại không thể làm được việc gì phải đem thải bỏ.

Tuy nhiên hiện chúng ta mới tiến hành phân loại tại nguồn, còn từ nguồn phải qua trạm trung chuyển đến nơi xử lý cuối cùng.

Việc phân loại rác tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả nếu như có trạm trung chuyển, chỉ tiếp nhận những loại rác đã phân loại theo nguồn. Những phương tiện trung chuyển này chỉ vận chuyển những loại rác được phân loại theo nguồn về nơi tiếp nhận xử lý. Còn chúng ta mới chỉ làm được khâu đầu là phân loại tại nguồn, nhưng phân loại xong lại đem đổ chung vào một xe rác để đưa ra bãi rác. Như vậy tất cả dù phân loại hay không phân loại đều được đem chôn cả.

Đã có rất nhiều đề xuất về trạm trung chuyển sau khi đã tiếp nhận rác phân loại tại nguồn như thế nào, và các cơ sở xử lý chất thải theo dạng rác đã được phân loại. Quá trình này còn là bước dài. Xây dựng luật và các văn bản chính sách là điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong giải pháp về vấn đề môi trường. Hiện có một số điều khoản của luật này với luật kia đôi khi chồng chéo, quản lý còn bất cập.

Cho nên việc sửa đổi các luật là điều cần thiết. Hiện Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sắp tới sẽ ban hành tôi thấy có nhiều thay đổi so với luật cũ năm 2014. Sau khi có luật và văn bản dưới luật, sự tự giác của người dân chúng ta sẽ dần dần làm được việc này…

Trân trọng cảm ơn bà!

H.Vũ (thực hiện)