Ngày trọng đại
Trong những ngày cả nước tri ân thương binh, liệt sĩ, ngày 25/7, tại Thủ đô Hà Nội lần đầu tiên 300 Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện cho gần 5.000 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tề tựu tại thủ đô Hà Nội trong chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc”. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động nói, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là những người mẹ vĩ đại đã hy sinh hiến dâng những người thân yêu ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu.
Thủ tướng mong muốn cần gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công cách mạng, quan tâm, chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội…
Cũng trong dịp cả nước kỉ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 18/7, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đã về Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi một thời là “túi bom” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nơi đây có tới hơn 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, 185 Mẹ Việt Nam anh hùng- những người đã hiến dâng tất cả cho đất nước.
Dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - địa danh gắn liền với 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ ngày 24/7/1968, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói: “Chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta”.
Trong những năm, qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ngành các cấp đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang. Có biết bao chiến sĩ, đồng bào hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ, gần 2 triệu thương bệnh binh, hàng triệu gia đình có công với nước đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp chống giặc, giữ nước.
“Phải coi việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Hôm nay, ngày 27/7, là một ngày trọng đại của dân tộc, ngày mà chúng ta thành kính tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sĩ, ngày mà mọi người Việt Nam bày tỏ lòng tri ân tới những người đã hiến một phần thân thể cho độc lập tự do của đất nước. Chiến tranh đã đi qua từ lâu, cuộc sống đã bùng lên mạnh mẽ ở đất nước này: Đất nước đã phải chịu đựng biết bao mất mát hy sinh trong những cuộc chiến đấu một mất một còn. Kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ suốt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho mãi tới ngày 30/4/1975, non sống mới liền một dải. Nhưng chỉ ít năm sau người Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở cả hai đầu đất nước. Biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Và Biển Đông thân thương của chúng ta vẫn còn đó những cơn sóng dữ…
Để có được ngọn gió hòa bình mát lành lồng lộng thổi trên mảnh đất ruột rà hình chữ S, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống; biết bao người Việt Nam đã bỏ lại một phần thân thể của mình nơi chiến địa, để rồi mỗi khi trái gió trở trời vết thương lại dày vò nhức nhối. Và, những con người đã hy sinh vì nước ấy để lại dương gian những bà mẹ âm thầm chịu đựng. Nước mắt mẹ chảy ngược vào tim trong những đêm dài cô quạnh, mẹ lặng lẽ thắp nén nhang nơi là bàn thờ vừa thờ chồng vừa thờ con…
Với ý nghĩa đó, ngày 27-7 hàng năm là ngày giỗ chung của dân tộc, khi chúng ta thành kính thắp một nén tâm nhang cho những người đã vì nước quên thân. Không để thẹn với tiền nhân, trách nhiệm của thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi muôn đời mai sau là phải xây dựng bằng được một đất nước Việt Nam hùng cường. Đất nước mà biết bao các thế hệ cha ông đã xả thân gìn giữ.