Mất bò mới lo làm chuồng
Dư luận xã hội đang hết sức đau xót trước thông tin, một đoàn cựu học sinh sau khi họp lớp, trên đường đi tham quan đã gặp TNGT khiến 15 người thiệt mạng, 25 người khác bị thương nặng, tại tỉnh Quảng Bình. Làm sao có thể không đau xót khi mà vụ TNGT hoàn toàn có thể tránh được, nếu chủ phương tiện và lái xe tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Giao thông đường bộ và những văn bản pháp luật liên quan.
Phải tới khi có chiếc xe ô tô 45 chỗ, chở 40 cựu học sinh lao vào vách đá dẫn đến lật xe làm 15 người chết, 25 người bị thương, người ta mới phát hiện ra tài xế chỉ có bằng lái xe B2. Theo quy định của pháp luật, bằng lái xe B2 chỉ được phép điều khiển xe ô tô dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe), vậy mà tài xế gây TNGT lại dám cả gan nhảy lên cầm vô lăng xe khách 45 chỗ ngồi.
Trong khi đó, đối với xe khách 45 chỗ ngồi đòi hỏi tài xế phải có bằng lái xe loại E trở lên. Vậy thì một tài xế với bằng B2 làm sao có thể không gây TNGT?
Theo điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, tài xế gây ra vụ TNGT thảm khốc nói trên đã lái xe khách 45 chỗ được một thời gian dài mà không bị phát hiện. Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Doanh nghiệp vận tải sở hữu phương tiện (hoặc chủ phương tiện) khi tuyển tài xế nói trên có biết anh ta chỉ có bằng lái xe loại B2?
Nếu không biết có nghĩa là vô trách nhiệm, coi thường tính mạng và tài sản của hành khách. Còn nếu biết mà vẫn cho phép tài xế đó cầm vô lăng là hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị trừng trị để răn đe.
Tất nhiên, giờ có “bỏ tù” lái xe, chủ phương tiện hay ai đi chăng nữa thì cũng không thể làm 15 nạn nhân xấu số hồi sinh. Song, chí ít điều đó cũng an ủi vong linh của họ ngậm cười nơi chín suối, còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh những kẻ coi thường pháp luật khác. Khi mà mạng người đã mất, có nói gì thì mọi chuyện cũng đã muộn màng. Nhưng điều đó không có nghĩa có thể làm ngơ, không làm gì cả. Các cơ quan chức năng cần thấy đó là trách nhiệm của mình để có những biện pháp giải quyết rốt ráo, triệt để vấn đề.
Trách nhiệm của chủ phương tiện và tài xế lái xe khách gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng nói trên đã rõ. Song, còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu trong vụ việc đau đớn đến tột cùng này? Trong một thời gian khá dài hành nghề của tài xế gây TNGT nói trên, không thể nói là anh ta chưa từng bị lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra, chưa từng bị phát hiện sử dụng bằng lái xe B2 để cầm vô lăng xe ô tô khách 45 chỗ. Vậy thì vì sao tới trước thời điểm vụ TNGT kinh hoàng xảy ra, tài xế nói trên vẫn vô tư cầm lái?
Một số ý kiến cho rằng, bằng lái xe B2 với bằng lái xe hạng E không có nhiều khác biệt, bởi chương trình đào tạo giống nhau, chỉ có lúc sát hạch là lái xe đúng hạng mà thôi. Không phủ nhận là hiện ở không ít trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe có thực trạng “tất cả trong một”, tức là dù là B1, B2, C, hay E... thì cũng được đào tạo cùng một chương trình giống hệt nhau. Và rất có thể đây chính là nguyên nhân sinh ra tâm lý chủ quan của người học, rằng đào tạo như nhau thì có bằng gì và lái xe gì chẳng vậy.
Song, dù điều đó có diễn ra ở đâu đó, vào thời điểm nào đó thì cũng là trái với quy định của pháp luật cần phải bị phát hiện, xử lý, chứ không thể trở thành lý do để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật là lái xe sai chủng loại so với bằng lái được cấp. Nếu như mỗi người tự có ý thức khi tham gia giao thông, tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy định của pháp luật, làm sao có thể xảy ra những vụ TNGT cướp đi sinh mạng của nhiều người như vậy? Rất tiếc, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay rất yếu.
Ý thức tham gia giao thông yếu là do người điều khiển phương tiện nhờn luật, không sợ lực lượng chức năng cùng các chế tài kèm theo. Yếu còn do vẫn còn một bộ phận lực lượng thực thi công vụ tiêu cực, cầm lót tay bỏ qua vi phạm. Yếu nữa còn do công tác đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua bị buông lỏng, thiếu kiểm soát, chưa chú trọng đến giáo dục đạo đức người lái xe cho các học viên. Muốn người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì cần các cơ quan chức năng tuân thủ đúng pháp luật để làm gương.
Ngay bây giờ, mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tự soi lại mình xem đã làm gì để ngăn chặn tiến trình dẫn đến các vụ TNGT thảm khốc, gây tang thương cho nhiều gia đình. Đừng để sau mỗi vụ TNGT khiến nhiều người chết và bị thương mới lại ra công điện, chỉ đạo điều này điều nọ, phân tích mổ xẻ “thế A, thế B”, hay xử lý trách nhiệm lái xe, chủ phương tiện... như vậy chẳng khác gì mất bò mới lo làm chuồng.