Hình phạt nào cho người tổ chức nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?
ThS.LS Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS cho rằng, cần áp dụng tình tiết tăng nặng đối với những người những người tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Liên quan đến sự việc ngành chức năng TP Đà Nẵng và nhiều địa phương khác liên tiếp phát hiện các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, lưu trú không khai báo, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch Covid-19, dưới góc nhìn pháp lý, ThS.LS Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS cho rằng, những người tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị phạt tới 15 năm tù và cần áp dụng tình tiết tăng nặng đối với những người có hành vi nêu trên.
Luật sư đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của các đối tượng đưa người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam trong khi dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc, Hãng Luật TGS: Trong lúc nước ta đang bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch bệnh Covid-19, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài là rất cao, hành vi tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã và đang là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch mà cả nước đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Khác hẳn với các bệnh nhân Covid-19 lây từ cộng đồng trong giai đoạn trước hầu hết đều tìm được nguồn lây ban đầu, 4 bệnh nhân vừa được ghi nhận trong hai ngày 25 và 26/7 đều không rõ nguồn lây. Vì vậy, nếu kết quả điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, các đáp ứng tại khu vực có ca nhiễm, mới không tốt thì việc làn sóng Covid-19 tiếp theo bùng phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt để khởi tố, điều tra đường dây đưa người bất hợp để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Quan điểm của luật sư về hướng xử lý các đối tượng, và khung mức hình phạt về xử lý hình sự mà các đối tượng có thể phải đối mặt là gì ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Để xử lý nhóm người này, cần khởi tố “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS) và mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 348 BLHS
Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, làm hơn nửa triệu người chết, truyền nhiễm cho nhiều người mà hiện nay chưa có vaccinen phòng bệnh.
Do vậy, với những người tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm l, Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.
Trong trường hợp cơ quan chức năng truy xét ra được nguồn gốc lây lan dịch bệnh do những đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gây ra thì còn bị truy tố theo quy định tại Điều 240 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Theo quan điểm của Luật sư, thì các cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp gì để ngăn chặn triệt để hành vi tương tự nêu trên ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo tôi, tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là các cơ quan Y tế, Quân đội, Công an cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với nhau, ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan.
Cơ quan Y tế cần tổ chức điều tra dịch tễ, hành trình đi lại của bệnh nhân, các mối quan hệ, tiếp xúc… xem nguy cơ có thể phát sinh từ đâu.
Lực lượng Bộ đội biên phòng cần kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, tiếp tục siết chặt các đường mòn, lối mở, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới.
Cơ quan Công an cần huy động tối đa lực lượng triển khai giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, rà soát, tổng kiểm tra tất cả các nhà trọ, khách sạn, nắm chắc người lưu trú, nhằm phát hiện người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo tạm trú; Khai báo không trung thực, trốn cách ly, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; Hành vi chống người thi hành công vụ; Hành vi đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép như vậy, phải chăng các cơ quan chức năng đã lơ là trong việc kiểm soát nhập cảnh trái phép ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép như vậy thì trách nhiệm trước tiên thuộc về các Cơ quan ban ngành chức năng, tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng sau 99 ngày không có ca nhiễm Covid-19 thì tâm lý chủ quan trong cộng đồng là điều dễ xảy ra, và đã xuất hiện tình trạng quản lý lỏng lẻo, chủ quan, dễ dãi ở một số ngành, địa phương.
Các đối tượng vì lợi ích cá nhân đã thông đồng, cấu kết với nhau để tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cần phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật để răn đe, tránh những hậu quả khôn lường khi làn sóng Covid quay trở lại và bùng phát mạnh mẽ như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt.
Trường hợp bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào ?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Nếu là người nước ngoài thì tùy theo mức độ có thể sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Bên cạnh xử phạt hành chính, hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là theo Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức phạt từ 01 năm đến 15 năm tù tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.
Trường hợp trong quá trình điều tra nếu phát hiện có hành vi của cán bộ có quyền hạn trong việc giám sát khu vực biên giới nhận hối để tiếp tay cho hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, có thể cần nặng mức xử phạt để răn đe hay không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta đó là do chế tài xử phạt chưa thật sự cứng rắn để răn đe đối với hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Việc chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm lần đầu về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” mà chưa bị xử lý hình sự thì chưa tạo được sự răn đe.
Nhiều người sẽ nghĩ là thực hiện một lần thôi thì sẽ không sao cả, cùng lắm chỉ bị phạt tiền. Chính vì thế với những chế tài hiện nay việc răn đe cũng như ngăn chặn thực hiện hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là chưa đủ, cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.
Đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp và nguy hiểm tình trạng vượt biên trái phép này có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mà không thể nắm được nguồn gốc ở đâu.
Xin cám ơn Luật sư!