Cần tính chuyên nghiệp cho Liên hoan phim

Minh Quân 28/07/2020 08:45

Liên hoan phim (LHP) được xem là sự kiện nhằm đánh giá, tôn vinh các sản phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam các sự kiện này đến nay vẫn chưa được đầu tư bài bản, xứng tầm.

Việc tổ chức các LHP ở Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Dù các LHP đã được tổ chức nhiều lần nhưng sau mỗi sự kiện luôn đi kèm theo đó là những “lùm xùm”. Đơn cử, mới đây lại LHP Việt Nam 2019 là vụ việc đoàn làm phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” bị tố mua giải ở hạng mục “Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn” mặc dù trước đó phim từng bị tẩy chay dữ dội.

Hay mới đây tại Cánh diều 2020, bộ phim “Hạnh phúc của mẹ” sau thắng lớn với 8 giải thưởng đã bị ca sĩ Thu Thủy tố cáo dùng hoàn toàn bài hát “Mẹ con ta là của nhau” (bài hát mà nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường đã tặng riêng ­­­cho Thu Thủy để cô hát tặng con trai nhân dịp sinh nhật bé 3 tuổi), phát hành như nhạc phim chính thức nhưng không hỏi ý kiến cô lấy một lần.

Thậm chí, trong buổi công bố kết quả giải thưởng Cánh diều 2019, BTC xướng tên nữ diễn viên Oanh Kiều trong phim “Nắng 3” đạt giải “Diễn viên triển vọng” ở hạng mục phim điện ảnh. Kết quả này cũng được in ra phát cho truyền thông. Nhưng sau đó giám khảo nhận thấy sự nhầm lẫn, bởi cả hội đồng nhất trí trao cho bé Ngân Chi cũng trong phim “Nắng 3”.

Lý giải về sự việc trên BTC cho biết do danh sách ê kíp gửi tới chỉ có tên Oanh Kiều nên mới tạo ra sự nhầm lẫn. Nhưng đây không phải sai sót duy nhất trong phần công bố giải thưởng. Ở giải “Biên kịch xuất sắc” phim điện ảnh ghi thiếu tên của biên kịch Lương Kim Liên, trong phim “Hạnh phúc của mẹ” mà chỉ ghi biên kịch Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Không dừng lại ở đó đáng buồn hơn, nhiều nghệ sĩ đã không ngại nhìn thẳng vào những tồn tại của LHP Việt Nam. Đạo diễn Leon Quang Lê, người đã nhận giải Bông sen vàng cho bộ phim “Song Lang”, rất tâm tư khi cả người trong lẫn ngoài nghề đều không xem trọng giải thưởng này. Còn đạo diễn Hồng Ánh thừa nhận 10 năm trở lại đây chị cũng như nhiều người trong giới làm phim không còn hào hứng với LHP Việt Nam hay giải Cánh diều.

Với những dẫn chứng trên có thể thấy các LHP ở Việt Nam đến nay vẫn chưa xây dựng được tính chuyên nghiệp, thậm chí là những sai xót sơ đẳng. Theo đạo diễn Phan Đăng Di phân tích: Đến giờ Việt Nam chỉ có duy nhất LHP quốc tế Hà Nội, có mô hình ban đầu khá bài bản và chắc chắn nhưng để nói đúng nghĩa thì chưa. Bởi một LHP quốc tế không thể chuyên nghiệp khi mà 2 năm mới tổ chức một lần. Cũng theo đạo diễn, một trong những điều quan trọng với LHP là phải tạo ra sự gắn kết liên tục, từ đó tìm giải pháp cho nền điện ảnh, cũng như tìm kiếm, theo dõi, hỗ trợ tài năng phát triển.

Hiện nay, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) là đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức LHP quốc tế Hà Nội. Tuy nhiên, Cục Điện ảnh chưa đủ nhân sự có kinh nghiệm trong tổ chức LHP quốc tế, vốn là sự kiện văn hóa đòi hỏi khả năng quản lý cao. Bên cạnh lý do không được tổ chức thường niên, LHP quốc tế Hà Nội chưa phát triển, mở rộng giao lưu với thế giới vì vướng nhiều vấn đề, trong đó có kiểm duyệt.

Theo đạo diễn Hồng Ánh, nếu coi LHP Việt Nam như một sản phẩm hàng hóa thì ngoài việc quảng bá cho công tác tổ chức thì sản phẩm phải chất lượng và có tính ổn định theo hiệu ứng đi lên. Làm sao để cá nhân nhận giải cảm thấy tự hào và lấy đó làm động lực để cống hiến. Nhà quản lý mà cụ thể ở đây là Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL cần tạo đầu ra cho những cá nhân đạt giải trong các kỳ LHP, nói một cách khác là LHP Việt Nam cần có bệ phóng cho tài năng, cần có sự đột phá để nâng cao chất lượng.

Đồng quan điểm, nhà sản xuất Dung Bình Dương cũng thừa nhận: Các bộ phim giành giải thưởng lớn như Oscar, Cành cọ vàng, LHP Cannes… đa số đều nhận được sự đón nhận của khán giả trên thế giới. Còn riêng tại Việt Nam thì những nhà làm phim chúng ta vẫn chưa làm được những điều đó. Những phim đạt giải chỉ gói gọn nhận bằng khen và cũng chỉ có những người trong giới biết được giải thưởng của phim đó, còn đối với khán giả thì họ không hề quan tâm đến phim tôi đang xem có đạt giải thưởng nào chưa?.

Nhằm nâng cao vị thế, tăng cường quảng bá hiệu quả LHP tại Việt Nam, thực tế cho thấy các nhà tổ chức cần phải thay đổi trong tư duy thực hiện. Tại các LHP cần tạo ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi học thuật; xem xét lại cơ cấu giải thưởng; đẩy mạnh vai trò của truyền thông để quảng bá cho thương hiệu LHP, tăng cường quảng bá trên không gian mạng. Đồng thời, thay đổi dạng thức tổ chức LHP như mở rộng thêm các lĩnh vực xúc tiến đầu tư (như Chợ phim, Chợ dự án), đào tạo (Trại sáng tác, bồi dưỡng ngắn ngày, cuộc thi ý tưởng kịch bản)…

Minh Quân