Nỗ lực gỡ thẻ vàng
Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với lý do “Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý” (IUU).
Tuy nhiên, cũng kể từ đó đến nay, hầu hết các địa phương ven biển đều thực hiện tốt 9 tiêu chí do Ủy ban châu Âu đưa ra, nỗ lực để gỡ “thẻ vàng”, hướng đến hoạt động khai thác hải sản hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá lớn với 3.484 chiếc, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 1.257 chiếc. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh quyết liệt thực hiện công tác chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả nhất định. Ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; có thông báo cho cảng cá trước một giờ tàu rời/cập cảng. Công tác giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đã được tiến hành theo quy trình, bước đầu đã thực hiện cấp giấy biên nhận bốc dỡ qua cảng. Các tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá thường trực 24/24 giờ tại văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá.
Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chính quyền địa phương ven biển tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào cửa lạch, cảng cá; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, 100% tàu cá có chiều dài trên 24m của Nghệ An đã được lắp hệ thống giám sát hành trình. Qua đó đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác IUU của tàu cá trong tỉnh.
Là một trong 28 tỉnh có biển, tỉnh Tiền Giang cũng đang nỗ lực rất lớn để thực hiện Luật Thủy sản 2017, chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo. UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tuy số lượng tàu cá của Tiền Giang không nhiều như tỉnh Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, nhưng để góp phần gỡ bỏ “thẻ vàng IUU,” tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tốt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đến nay, 85% số tàu cá từ 15m trở lên trên địa bàn toàn tỉnh đã ký cam kết lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đồng thời có 142 phương tiện đánh bắt đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tỉnh cũng giao Chi cục Thủy sản nâng cấp thiết bị Trạm bờ quản lý vị trí tàu cá để có thể theo dõi quản lý vị trí tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua quá trình này đã kịp thời thông tin cho nhiều chủ tàu cá nhắc nhở, cảnh báo thuyền trưởng khi khai thác gần với vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 1.043 tàu đánh cá chiều dài hơn 15 m và hơn 980 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 90%. Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ban, ngành địa phương nên công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…
Bước đầu có thể khẳng định đây là những tín hiệu lạc quan để Việt Nam nhanh chóng gỡ thẻ vàng của EC.