Không có vùng cấm trong đảng
Trong thời gian qua, nhiều cán bộ công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, bị xử phạt tù ở mức rất cao (trong đó có cả cán bộ cấp cao).
Tuy nhiên, hầu như trước đó, họ vẫn được đánh giá là tốt, thậm chí còn thăng tiến từ vị trí này tới vị trí khác. Chuyện này dân gian đã từng nói nhiều về cái sự bi hài “các đồng chí bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ”. Việc này cho thấy quy trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ còn có chỗ chưa thực chất.
Những động thái vừa qua như khởi tố đối với ông Vũ Huy Hoàng- cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến- nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh...; cùng với thông báo mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cương quyết trong việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên để xảy ra sai lầm khuyết điểm. Không có vùng cấm ở trong Đảng là có thật, không nể nang, không né tránh.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành, nhiều địa phương. Chỉ trong một kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật ở mức cao với mấy vị tướng quân đội, các cán bộ của mấy tỉnh ủy, tổng công ty nhà nước... Có những cán bộ từng giữ trọng trách nay cũng phải khai trừ đảng...
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi mà khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng rộng. Trong quá trình phát triển đất nước, hệ thống cơ chế, cách thức vận hành của bộ máy hành chính công, của các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn không tránh khỏi những kẽ hở mà con người ở trong hệ thống ấy có thể lợi dụng, có thể dùng chính quyền hạn và chức trách của mình để thu lợi bất chính cho mình. Không phải việc nào, hành vi nào cũng được tổ chức hoặc cơ quan pháp luật phát hiện ra kịp thời. Theo cách nói của người phương Đông để răn dạy về nhân quả thì có những việc chỉ có mình biết và trời biết đất biết. Để thấy, sự trung thực của cá nhân con người là một đòi hỏi quan trọng. Nếu làm việc sai mà không thấy xấu hổ, nếu thu lợi cá nhân hàng trăm tỷ, nghìn tỷ mà bề ngoài vẫn nói vì dân vì nước thì có nghĩa là họ đã không có một chút trung thực nào, không phải chỉ với tổ chức, với nhân dân, mà ngay cả với chính mình.
Cũng trong đạo lý của người phương Đông còn lưu giữ câu nói của Khổng Tử: “Cỏ chi lan mọc ở rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm”. Làm việc tốt hay việc xấu đừng chỉ vì người đời có biết đến hay không. Bởi vì sống quan trọng nhất là không hổ thẹn với chính mình. Trong cái vế sau của câu nói ấy của Khổng Tử cho rằng người quân tử tu Đạo lập Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi tiết tháo. Thời đại ngày nay chúng ta không đem những tiêu chí về người quân tử của Nho giáo xưa kia ra so sánh, nhưng cái ý nghĩa làm người thì thời nào cũng thế. Trong những tiêu chuẩn, tiêu chí của người đủ phẩm chất làm cán bộ thời nay vẫn đòi hỏi một yêu cầu cao về đạo đức con người.
Khi nghĩ đến những sai phạm trong những vụ việc liên đến dự án đất đai, lại không thể không nhớ đến câu nói cũng của Khổng Tử: “Quân tử luôn nhớ đức hạnh, tiểu nhân luôn nhớ đất đai. Quân tử luôn nhớ hình luật, tiểu nhân luôn nhớ lợi lộc”.
Nếu bây giờ rà soát lại quy trình, thì lâu nay việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp vẫn được tiến hành theo quy trình thống nhất, từ Trung ương xuống đến cơ sở. Mỗi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp đều quy định rõ các điều kiện cần và đủ về học vấn, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, uy tín... Thế thì tại sao vẫn tồn tại những cán bộ không có đủ phẩm chất năng lực, sẵn sàng làm việc sai cho đến khi “bị lộ”, tức là khi cán bộ đã bị phát hiện ra là có sai phạm (thậm chí nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu mới phát hiện ra sai lầm khuyết điểm).
Tham nhũng ở đâu mà ra? Phải có chức, có quyền mới tham nhũng được. Phòng chống tham nhũng là việc rất khó khăn. Nhìn lại những “đại án”, những phiên tòa xử cán bộ cấp cao, nhìn những cái giá đắt phải trả của những người trước đó mang một danh vị trong xã hội càng thấy bổn phận và trách nhiệm của những người có chức trách và địa vị xã hội trước pháp luật, trước nhân dân.
Chúng tôi không muốn nói về những phút “sa cơ” của những người từng giữ trọng trách cao trong Đảng, chính quyền hay các bộ ngành. Nhưng chúng ta đều nhìn thấy phải đến khi những vụ “đại án” tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc đã được tuyên, thì không ít người từng giữ cương vị chức trách cao mới đau xót thừa nhận tội lỗi của mình. Thậm chí ngay cả khi không có vùng cấm trong Đảng và pháp luật rất nghiêm minh thì vẫn tồn tại đâu đó một tâm lý ở không ít “công bộc” của dân: Có chức kèm theo có quyền, muốn làm gì cũng được.
Tâm lý nghiễm nhiên ấy đã khiến có những cán bộ phạm tội mà đến lúc ra toà mới nhận ra bài học đau đớn và đắt giá, tâm lý ấy khiến vẫn còn có những người nắm giữ quyền lực mặc nhiên sử dụng quyền lực như một thứ đặc quyền đặc lợi. Nhìn lại công tác xây dựng Đảng thời gian qua, với những quyết liệt trong chỉnh đốn Đảng, dư luận nhân dân nhìn thấy những quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ. Dư luận nhân dân mong muốn những bài học đau xót về công tác cán bộ sẽ được rút ra để có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của công tác này nhất là vào thời điểm trước đại hội Đảng các cấp.
Tự chỉ trích, tự răn mình, cán bộ phải nhận ra bổn phận và trách nhiệm khi có chức quyền là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nói thì to tát thế nhưng thực chất chỉ cần chọn đúng cán bộ có tài có đức để làm cho đúng chức trách và nhiệm vụ, chứ không phải là để sử dụng quyền lực đó như một thứ bổng lộc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.