Các FTA là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Việc tham gia các FTA đã mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Sáng 29/7/2020, Phiên chính thức của Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Trương Xuân Cừ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng lên gần 180 tỷ USD
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, toàn ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Công nghiệp trở thành động lực chính của xuất khẩu Việt Nam với tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó đã đưa năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam lên vị trí thứ 42 vào năm 2019. Tính trong các nước Nam Á và Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 về năng lực cạnh tranh công nghiệp.
Một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu và có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới hiện nay như dệt may đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, da giày đứng thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, điện tử đứng thứ 12, thủy sản thứ 4 thế giới, đồ gỗ đứng thứ 5… về xuất khẩu.
Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 13 FTA có hiệu lực và hiện đang tiếp tục đàm phát 3 FTA. Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì thực hiện hàng loạt nhiệm vụ hội nhập quốc tế về kinh tế quan trọng như: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)…
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 176,96 tỷ USD năm 2019.
Đẩy mạnh đổi mới, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; do tác động của những yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, xung đột, chia rẽ về chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Tuy vậy, nhìn chung hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua…
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến những nhiệm vụ chính của toàn ngành Công Thương, đó là nhóm nhiệm vụ tác động trực tiếp và sâu rộng đến đời sống nhân dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tác động đến thị trường trong nước, sự phát triển của các thị trường bên ngoài.
“Đây cũng là những nền tảng cơ bản giúp chúng ta tiếp tục phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tạo nền tảng thực hiện thành công chiến lược hội nhập sâu rộng với thế giới và thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, văn minh” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phát huy những kết quả và những thành quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Đảng ủy Bộ xây dựng kế hoạch trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn cũng như lãnh đạo, chỉ đạo để đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển ngành Công Thương, đồng thời, phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đạt được trong năm vừa qua để tạo bước phát triển mới.
Đại hội đã bầu ra 35 thành viên vào Ban chấp hành Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, bầu 8 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII.