Viettel tích cực đóng góp thúc đẩy kinh tế số khu vực ASEAN

29/07/2020 18:00

Viettel trực tiếp phát triển hạ tầng viễn thông ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Timor và Myanmar.

Ngày 28/7/2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Khu vực 10 quốc gia với mức tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới với 6%/năm. Trong đó, Viettel đại diện cho Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng góp phần thay đổi hạ tầng viễn thông của 5/10 quốc gia, góp phần thay đổi cơ hội công bằng số trên toàn khu vực.

Từ cách mạng viễn thông

Lĩnh vực CNTT-VT trong 10 nước ASEAN không đồng đều. Bên cạnh những quốc gia phát triển như Singapore, Malaysia, Thái Lan còn có những quốc gia có hạ tầng hạn chế như Campuchia, Lào, Đông Timor hay Myanmar. Đó cũng là những nước Viettel lần lượt đầu tư và nhanh chóng thay đổi diện mạo thị trường viễn thông.

Tại Campuchia, mạng Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) lần đầu tiên phủ sóng tới 97% dân cư. Tại Lào, hạ tầng viễn thông tăng lên gấp 4 lần sau khi Viettel đầu tư.

Mạng 4G LTE hiện đại được triển khai từ năm 2015, đưa số lượng người dân sử dụng Internet tăng từ 29,6% lên 49,2% (2015). Số lượng người dân Đông Timor được tiếp cận các dịch vụ viễn thông tăng từ 30% lên 60% dân số. Kể từ khi gia nhập thị trường viễn thông, Mytel - thương hiệu Viettel đầu tư tại Myanmar - đã giúp phổ cập dịch vụ Internet tại đất nước này với mật độ tăng từ 31% (tháng 6-2018 - thời điểm Mytel cung cấp dịch vụ) lên 55% (tháng 9/2019).

Cho đến thời điểm hiện tại, dịch vụ internet băng rộng dựa trên cáp quang và 4G đều được Viettel phủ khắp tại 5 quốc gia ASEAN. Đây chính là nền tảng quan trọng để từng quốc gia triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… Từng bước kiến tạo xã hội số và xây dựng nền kinh tế số. Ngay tại thời điểm hiện tại, Viettel đã thử nghiệm thành công và trình diễn 5G, IoT tại tất cả thị trường. Tùy theo từng quốc gia, những giải pháp trong hệ sinh thái số từng bước được triển khai, như thanh toán số, ví điện tử, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giáo dục số…

Song hành với thay đổi hạ tầng VT-CNTT, Viettel cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 6.500 lao động người sở tại, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động tại 4 quốc gia đầu tư.

Đến kiến tạo kinh tế số

Những đóng góp của Viettel trong cải thiện hạ tầng viễn thông đã mở ra tiềm năng phát triển năng động cho các quốc gia ASEAN. Theo nghiên cứu của hãng Bain & Company (Mỹ), tỉ lệ của kinh tế số tại khối ASEAN hiện tại mới chỉ khoảng 7% GDP (2018). Con số này khá thấp khi so với tỷ lệ 16% ở Trung Quốc, 35% ở Mỹ (35%), hoặc 27% ở nhóm các nước Union-5 châu Âu (gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh).

Một báo cáo khác của hãng AT Kearney (Mỹ) khẳng định: bất chấp những giới hạn ở năm 2019, ASEAN hoàn toàn có thể vào TOP 5 khu vực kinh tế số phát triển nhất thế giới vào năm 2025. Những chương trình phát triển kinh tế số nghiêm túc có thể đóng góp vào GDP của ASEAN đến 10.000 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.

Điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn dành cho kinh tế số ở các quốc gia ASEAN. Và cũng nhận thấy những giá trị từ nền tảng của chuyển dịch số. Tuy nhiên, vượt lên trên những con số, những thắng lợi của Viettel khẳng định Việt Nam đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Đến nay, Viettel đã triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam, Lào, Campuchia, đưa những quốc gia này trở thành những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới. Đồng thời triển khai hàng loạt giải pháp công nghệ thúc đẩy nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số như, điển hình là triển khai các giải pháp chính phủ điện tử, thanh toán/tài chính số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp...

Viettel triển khai cầu truyền hình trực tuyến cho Hội nghị ASEAN và ASEAN +3

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và ASEAN +3 về Covid-19 hồi tháng 4 vừa qua đã diễn ra lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống cầu truyền hình trực tuyến (Vroom) do Viettel triển khai.

Hệ thống Vroom do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), thành viên Tập đoàn Viettel là hệ thống cầu truyền hình trực tuyến đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020 lựa chọn phục vụ kết nối hội nghị thượng đỉnh cấp khu vực

Viettel Solutions đã triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống một cách thần tốc, chỉ trong 5 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến cho Chính phủ, Bộ, Ban, ngành và xã hội trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Hệ thống triển khai kết nối đến 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và 3 nước đối tác trong suốt 2 ngày họp 8 và 9-4.

Hệ thống Vroom là hệ thống cầu truyền hình trực tuyến được Viettel Solutions nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng cloud; có thể kết nối Internet đến 100% các Quốc gia trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: hội họp, đào tạo trực tuyến... mọi lúc mọi nơi trên smartphone, tablet, laptop, PC và các thiết bị, hệ thống truyền hình hội nghị chuyên dụng với âm thanh và hình ảnh Full HD.

Đóng góp của Viettel tại Campuchia, Lào, Đông Timor và Myanmar:

Tại Campuchia, Metfone của Viettel đã đưa viễn thông, Internet tốc độ cao tới những vùng sâu vùng xa, tới các trường học, cộng đồng, mang công nghệ len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội. Hiện tại, Metfone là nhà mạng hàng đầu tại quốc gia này, với 7.000 trạm phát sóng, 20.000 km cáp quang, vùng phủ đạt tới 97% với gần 6 triệu khách hàng, chiếm 41,3% thị phần. Metfone tự hào là nhà mạng đầu tiên cung cấp Ví điện tử eMoney tới cho người dân và đến nay vẫn là ví điện tử hàng đầu tại Campuchia. Ngoài ra, Metfone cũng đóng góp hàng triệu USD cho ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho hơn 2.000 nhân viên người sở tại.

Tại Lào, với thương hiệu Unitel, Viettel đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nước bạn, cả ở lĩnh vực viễn thông cũng như giáo dục, y tế, xã hội… Về hạ tầng, Viettel đã xây dựng mạng lưới với mật độ trạm và cáp quang dày đặc nhất, đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất tới khách hàng: 4.000 trạm phát sóng (BTS) và 23.000 cáp quang, phủ tới 100% số huyện và 95% dân số Lào, giúp mạng lưới viễn thông tại đây tăng gấp 4 lần.

Năm 2011, Viettel chính thức đưa vào vận hành khai thác vòng Ring Đông Dương. Đây là vòng truyền dẫn mang tầm chiến lược quốc gia, nối liền ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, bảo đảm thông tin liên lạc và phục vụ quốc phòng an ninh của ba nước Đông Dương.

Năm 2015, Viettel triển khai chính thức dịch vụ 4G tại Lào, trước cả Việt Nam và tạo ra sự bùng nổ về internet tại quốc gia này: tổng tiêu dùng data tăng 48,6%, tỉ trọng thuê bao sử dụng data tăng từ 29,6% lên 49,2%.

Ngoài những đóng góp to lớn cho ngành viễn thông, Viettel cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tới cộng đồng. Điển hình là chương trình cam kết cung cấp dịch vụ Internet miễn phí tới gần 1.295 trường học trong vòng 5 năm. Một số hoạt động ý nghĩa khác như: Hỗ trợ xây dựng trường Hữu nghị Việt Lào tại tỉnh Bo Li Khăm Xay; Tài trợ chi phí và tổ chức xây dựng, bàn giao 2 bệnh viện cho tỉnh A Ta Pư…

Tại Đông Timor, Telemor là nhà mạng giữ vị trí số 1 tại thị trường cả về thị phần, doanh thu, hạ tầng mạng lưới, công nghệ và cũng là thương hiệu tốt nhất tại Đông Timor. Sự xuất hiện của Telemor đã có những ảnh hưởng nhất định đến ngành viễn thông nước này, cụ thể tỉ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ viễn thông tăng từ 30% lên 60% dân số.

Năm 2018, Telemor tiếp tục ghi dấu ấn khi là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Đông Timor được phép cung cấp dịch vụ ví điện tử giúp người dân Đông Timor có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng hơn thay vì phải phụ thuộc vào mạng lưới ngân hàng nghèo nàn. Sự kiện này được Ngân hàng Trung ương Đông Timor đánh giá là một trong 4 dấu ấn lớn của ngành ngân hàng nước này trong giai đoạn 2016-2018.

Tại Myanmar, Mytel nhanh chóng trở ngôi sao trong ngành viễn thông, đồng thời cũng là dự án góp phần nâng cao chất lượng quan hệ thương mại, kinh tế cũng như quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án chiếm 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Việt Nam, từ vị trí số 10 vươn lên đứng thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN đầu tư vào Myanmar.

Mytel là công ty có mạng cáp quang lớn nhất Myanmar (36.000 km), góp phần tăng tỉ lệ cáp quang nước này lên 50% (Myanmar là quốc gia có tỉ lệ cáp quang thấp).

Về mặt công nghệ, Mytel là nhà mạng đầu tiên tại Myanmar cung cấp dịch vụ VoLTE, eSIM và giới thiệu 5G tại Myanmar. Hiện tại, 75% khách hàng của Mytel sử dụng 4G (cao nhất trong số các thị trường Viettel đầu tư). Mytel cũng là nhà mạng đi dộng đầu tiên phủ sóng 4G toàn quốc và cũng là công ty đầu tiên áp dụng cách tính cước theo block 1 giây (tính trên từng giây).

Kể từ khi gia nhập thị trường viễn thông, Mytel đã giúp phổ cập dịch vụ Internet tại đất nước này với mật độ tăng từ 31% (tháng 6/2018 - thời điểm Mytel cung cấp dịch vụ) lên 55% (tháng 9/2019).