Thế giới lo sợ Covid-19 trỗi dậy
Tây Ban Nha và Đức nằm trong số các quốc gia đã phải thắt chặt các lệnh hạn chế trong hôm 29/7 để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19 ở một số điểm nóng, làm dấy lên lo ngại về một đợt dịch thứ hai.
Áp dụng lại lệnh phong tỏa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo rằng virus Corona chủng mới dường như không bị ảnh hưởng bởi mùa, trong khi số ca tử vong do đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã vượt qua con số 654.000 - gần 1/3 trong số này là ở châu Âu - theo ước tính của Reuters. Hơn 100.000 ca tử vong đã được ghi nhận từ ngày 9/7 đến nay và số ca tử vong trên toàn cầu đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 tháng.
Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) nói rằng ngành công nghiệp này đã thiệt hại 320 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu trong vòng 5 tháng đầu tiên của 2020, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người lao động. Con số này “lớn gấp hơn 3 lần so với thời điểm Kkủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009”, tổ chức có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha nói trong một tuyên bố.
Hiệp hội Hàng không quốc tế, trong khi đó, cảnh báo rằng du lịch bằng đường không trên toàn cầu sẽ không thể trở lại nhịp độ như trước thời điểm đại dịch Covid-19 cho tới ít nhất là năm 2024.
Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch Covid-19, khẳng định rằng họ vẫn là một điểm đến an toàn với du khách, mặc dù đang phải giải quyết 361 ổ dịch và ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm. Một số quốc gia đã ra chỉ thị cách ly đối với người trở về từ Tây Ban Nha, trong đó có thị trường du lịch lớn nhất của nước này là Anh.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà Tây Ban Nha từng áp dụng đã khiến nước này mất hơn 1 triệu công ăn việc làm trong quý II năm nay, chủ yếu là trong ngành du lịch - theo dữ liệu của Viện Thống kê quốc gia (INE).
Đức, nước ghi nhận trung bình 557 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần vừa qua, cũng áp dụng các quy định mới về đeo khẩu trang, nêu rõ rằng người dân cần phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khó có thể thực hiện giãn cách xã hội. “Chúng ta cần phải ngăn chặn virus một lần nữa lây lan nhanh chóng và vượt ngoài tầm kiểm soát” - cơ quan chống dịch của nước này tuyên bố.
Tình hình đáng ngại ở Iran
Iran vừa trải qua ngày tồi tệ nhất trong bối cảnh đại dịch, khi hôm thứ Ba vừa qua ghi nhận 235 ca tử vong chỉ trong một ngày, đây là con số cao kỷ lục ở quốc gia Trung Đông này đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch.
“Tình hình rất đáng ngại” - Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari nói, thêm rằng thủ đô Tehran, thành phố đông dân nhất nước này, đang có mức độ rủi ro cao nhất trong thang đánh giá của họ.
Giới chức Iran đã chỉ thị đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng và cho phép Tehran cùng các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất tái áp dụng các biện pháp hạn chế từng được gỡ bỏ vào tháng 4 năm nay.
Lebanon cũng nâng mức cảnh báo đối với ngành y tế đang chịu ảnh hưởng nặng do Covid-19, sau khi ghi nhận 175 ca nhiễm trong hôm cuối tuần trước, con số trong ngày cao nhất từng được ghi nhận. Trong hôm thứ Ba tuần này, Lebanon tuyên bố áp dụng lệnh phong tỏa toàn bộ trong khoảng thời gian diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo (từ ngày 30/7 đến ngày 3/8) và hạn chế lượng khách tại các quán bar, nhà hàng.
Thông tin sai lệch về Covid-19 ở Mỹ
Tại Mỹ, mạng xã hội Twitter đã gỡ bỏ một đoạn tweet của Tổng thống Donald Trump, trong đó các bác sĩ đưa ra tuyên bố sai lầm về đại dịch, nói rằng đoạn tweet này vi phạm “chính sách thông tin Covid-19” của họ. Trước đó, Facebook cũng gỡ bỏ đoạn một đoạn video cho rằng đeo khẩu trang và lệnh phong tỏa là không cần thiết trong chống dịch.
Số ca tử vong ở bang Florida hiện đã vượt qua con số 6.000, sau khi chính quyền bang này ghi nhận thêm 186 ca tử vong. Chuỗi nhà hàng McDonald báo cáo mức giảm lợi nhuận tới 68% trong quý II với nguyên nhân là tác động từ đại dịch.
Virus corona chủng mới tiếp tục ảnh hưởng tới các sự kiện thể thao lớn của Mỹ, như giải bóng chày. Giải bóng bầu dục vốn được nhiều người dân Mỹ ưa chuộng cũng phải tạm hoãn, sau khi 6 đội tuyên bố không tham gia mùa giải năm nay do lo sợ các cầu thủ bị nhiễm Covid-19.