Không nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu
Sau khi Giám đốc điều hành của Công ty Du lịch Sentourist ở Bình Dương đưa status trên facebook về việc dẫn đoàn tham quan trốn thoát cách ly ở TP Đà Nẵng, lập tức nhận được một “rổ gạch đá” của cư dân mạng.
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc trước thái độ coi thường pháp luật, trách nhiệm công dân kém cỏi của vị giám đốc kia và đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Làm sao có thể không bức xúc khi CEO của một công ty lại có thể thiếu ý thức đến nỗi khoe tài lươn lẹo của bản thân trên mạng xã hội facebook. Hành vi dẫn đoàn du lịch trốn cách ly đã là không thể chấp nhận, nhưng hành vi “khoe” cái sai trên facebook còn là sự thách thức dư luận xã hội và pháp luật.
Việc trốn cách ly của đoàn tham quan do công ty du lịch nói trên tổ chức rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả là mang mầm bệnh của đại dịch Covid-19 từ TP Đà Nẵng đi reo rắc ở khắp mọi vùng miền của đất nước.
Một hành động thể hiện ý thức công dân và trách nhiệm xã hội kém như vậy, lẽ ra phải là điều đáng xấu hổ, cần được giữ kín trong lòng, không dám nói với ai. Ấy vậy mà vị CEO của công ty du lịch nói trên lại coi đây là “chiến tích vĩ đại” cần phải đưa lên mạng xã hội facebook để thể hiện bản lĩnh, sự tài ba của bản thân.
Khi mà một điều sai trái, đáng xấu hổ lại được coi là bình thường, thậm chí là sự hãnh diện để khoe khoang thì quả là điều đáng giật mình đối với toàn xã hội. Lẽ nào mọi chuẩn mực xã hội đã thay đổi?
Xét về mặt nhân cách xã hội thì hành vi của CEO Võ Hồng Phương là không thể chấp nhận được. Do vậy mà khi ông này đưa status lên facebook lập tức nhận được “mưa gạch đá” của cư dân mạng. Người nóng tính, không kiềm chế được thì văng tục chửi bậy, người bình tĩnh, hiểu biết hơn thì bức xúc yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cần có thái độ cứng rắn đối với vị CEO này cũng như Công ty Du lịch Sentourist. Đòi hỏi này không phải là quá đáng, bởi nếu không nghiêm sẽ tạo ra “tiền lệ xấu” cho những người khác.
Còn chiếu theo quy định của pháp luật thì hành vi của ông Võ Hồng Phương rõ ràng là đã vi phạm nghiêm trọng. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải xác minh, làm rõ mức độ vi phạm của vị CEO này để có hình thức xử lý, hoặc là xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã nêu rất rõ: Người nào cố tình trốn cách ly có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Còn nhớ, trong đợt phòng chống làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, từng có một vị giám đốc công ty điện gió trốn cách ly bằng kế “ve sầu thoát xác”, cử người đi cách ly hộ. Lúc đó, do chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nên các cơ quan chức năng loay hoay không biết xử lý hành vi của vị giám đốc công ty điện gió nói trên như thế nào. Song, tới nay đã có “cây gậy” của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì bất kể trường hợp nào có hành vi tương tự đều có thể xử lý nghiêm minh.
Dư luận cũng chưa hề quên có một cô gái có hành vi thiếu ý thức tương tự như vị CEO của Công ty Du lịch Sentourist. Sau khi nhập cảnh từ vùng có dịch, cô gái này cũng đã tìm cách trốn cách ly rồi livetream “dạy” mọi người cách thức làm như mình.
Ngay thời điểm đó, mặc dù nhận thức về đại dịch Covid-19 của xã hội chưa cao như hiện nay, nhưng việc cô gái trên livetream trên mạng cũng đã nhận được vô số “gạch đá” của cư dân mạng xã hội. Lúc đó, cô gái này cũng “thoát êm” vì chưa có hướng dẫn xử lý hình sự.
Dẫn lại hai trường hợp thiếu ý thức, thể hiện trách nhiệm xã hội kém nói trên là để có sự so sánh về con người, thời điểm diễn ra sự lố lăng của họ. Nếu như hai trường hợp trên còn có lý do để biện minh là vào thời điểm đó, nhận thức về đại dịch Covid-19 còn đang “lờ mờ” nên không lường trước được hậu quả tai hại của hành động thiếu suy nghĩ. Song, trải qua làn sóng Covid-19 đầu tiên, giờ bước vào “trận chiến” thứ hai với đại dịch, thì không có lý do gì để biện minh cho hành động của CEO Công ty Du lịch Sentourist.
Do vậy, việc dư luận xã hội bức xúc đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm minh hành vi coi thường pháp luật, thiếu ý thức trách nhiệm xã hội của vị CEO nói trên là hoàn toàn chính đáng. Cơ quan chức năng có thể tùy theo mức độ vi phạm của ông Võ Hồng Phương để xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những biện pháp xử lý nghiêm minh không chỉ để ông Phương biết sợ không tái phạm, mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa những người đang có ý định giỡn mặt pháp luật.