Xây dựng thương hiệu Liên hoan phim Việt Nam
Ngày 29/7, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam”.
Liên hoan phim Việt Nam được xếp là một trong những sân chơi hàng đầu trong việc quảng bá, tôn vinh điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng dù đã 21 lần tổ chức, sân chơi này vẫn đang loay hoay xây dựng cho mình thương hiệu cũng như nâng tầm được đẳng cấp.
Thiếu tính đột phá
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam chưa có sự đổi mới về cách thức tổ chức và chưa có kế hoạch đổi mới phù hợp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế. Việc LHP Việt Nam tổ chức tại nhiều địa điểm cũng chưa phát huy được hết các hiệu quả cho địa phương nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế.
Một số địa phương không đủ điều kiện tổ chức LHP chịu thiệt thòi trong việc chia sẻ những thành tựu điện ảnh, không có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm điện ảnh, với các nghệ sĩ, và ngược lại nghệ sĩ điện ảnh cũng không có cơ hội được đến nhiều vùng miền của tổ quốc nơi chưa có thiết bị máy móc, cơ sở vật chất phù hợp để tổ chức LHP Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ: Nội dung LHP Việt Nam không có thay đổi từ nhiều năm nay, chương trình LHP chưa tạo điều kiện cho các nhà làm phim độc lập, phim thể nghiệm, phim ngắn vì chưa tạo những sân chơi cho họ trong LHP lớn của quốc gia.
Do vậy, LHP Việt Nam hiện cũng chưa thúc đẩy được sự sáng tạo của các nhà làm phim trẻ, khai thác tiềm năng, ý tưởng của những nhà làm phim độc lập. LHP Việt Nam cũng chưa xây dựng các khóa đào tạo, lớp sáng tác, nhằm đào tạo các tài năng trẻ.
Phó Cục trưởng thẳng thắn nhìn nhận, LHP mới chỉ chú trọng giải thưởng truyền thống cho tác phẩm mà chưa tạo những giải thưởng khác nhằm khuyến khích sáng tạo kịch bản, sản xuất phim, thu hút đầu tư, thu hút các nhà phát hành nước ngoài. LHP Việt Nam chưa có sự mở rộng để đáp ứng tình hình mới cũng như sự phát triển vượt bậc của thị trường điện ảnh nước nhà, trong đó có sản xuất phim chiếu rạp.
“Ngoài ra, LHP cũng chưa xây dựng những ưu đãi hoặc chiến lược quảng bá nhằm khuyến khích các phim đoạt giải được phổ biến rộng rãi đến với mọi tầng lớp khán giả trong và ngoài nước”- bà Hà nói.
Thay đổi để phát triển
TS Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cho rằng: LHP Việt Nam cần gắn với một địa danh cụ thể nhất định thì công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Bởi các LHP quốc tế trên thế giới hiện nay đều gắn liền với một địa danh nơi diễn ra sự kiện.
Nếu LHP luân phiên ở các địa phương khác nhau như vậy có vẻ mang tính hoạt động “du mục”, khó đáp ứng mục tiêu quảng bá thương hiệu. Chưa kể, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật ở địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, chúng ta phải coi LHP Việt Nam là nơi hội tụ, quảng bá, nơi tạo tiền đề cho các bộ phim không chỉ của các nhà làm phim Việt Nam mà cả các nhà làm phim quốc tế, như vậy chúng ta phải có nhiều phim hay và đa dạng. Bên cạnh đó, phải có ban giám khảo tốt. Tôi nghĩ nên mời các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến tham gia chấm giải cùng với các nhà làm phim Việt Nam. Nếu làm được điều này, thì LHP Việt Nam cũng nhanh chóng được quảng bá tốt thông qua họ và thu hút sự chú ý của các nhà làm phim trên thế giới và khán giả. Tốn tiền giai đoạn ban đầu thì cũng phải làm. Nếu không thì chu trình xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam lại “thấp thỏm” và không biết đến bao giờ.
“Để ổn định và xây dựng LHP Việt Nam chủ động hơn cần phải có quỹ làm phim. Tôi nghĩ mỗi năm LHP Việt Nam nên đầu tư cho 5 phim chất lượng với kinh phí trung bình từ 10 đến 15 tỷ đồng. Với khoản kinh phí từ 80 đến 100 tỷ đồng cho một ngành quan trọng thì đó là điều chúng ta nên làm”- ông Dũng đề nghị.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhìn nhận: “Điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự quảng bá cho LHP còn rất nhiều hạn chế. Nó cũng giống như những bộ phim nhà nước dù có chất lượng tốt nhưng khâu quảng cáo, marketing gần như không có. Điều này gây ra hệ lụy lớn đến nỗi cứ nhắc tới phim nhà nước là khán giả Việt Nam ngày nay thường mặc định đó là những bộ phim tuyên truyền, khô cứng hay thậm chí giáo điều! Chúng ta phải có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc đưa cái tên LHP Việt Nam tới gần nhất với khán giả. Tôi lấy ví dụ, tại sao trong những năm gần đây, những bộ phim của VTV lại “hot” đến như vậy? Đó không chỉ bởi nội dung của những bộ phim đó, hay vì lợi thế về giờ vàng, mà đó còn là một chiến dịch lớn vô cùng táo bạo và toàn diện mà họ đã làm. Đó là Facebook, đó là những clip Viral tràn ngập trên mạng xã hội, trên Youtube, trên những cổng thông tin điện tử đa dạng, đặc biệt họ có một App riêng dành cho các thiết bị di động để chúng ta có thể xem lại các bộ phim bất cứ lúc nào”.
Trước những góp ý của các đại biểu, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh: LHP Việt Nam là sự kiện điện ảnh đã có truyền thống nhưng việc xây dựng Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam” lại là việc làm hoàn toàn mới mẻ và là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới Cục Điện ảnh cũng như BTC LHP Việt Nam sẽ có điều chỉnh, công việc trước mắt cần làm ngay là tận dụng khoảng trống hai năm giữa mỗi kỳ để quảng bá cho LHP sắp tới.
Ngoài ra, BGK sẽ được trẻ hóa về cả quan điểm và xu hướng nghệ thuật trong tư duy của từng thành viên. Đó phải là nghệ sĩ đang sống, đang làm việc trong môi trường điện ảnh hiện đại, đang song hành và cùng nhịp đập với chúng ta. Bên cạnh đó, khách mời đến dự cũng phải là những nghệ sĩ đang làm việc, đang hoạt động “máu lửa”, đang khao khát được sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật.