Chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức kém
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân...
Sáng 29/7, theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã được cải thiện hơn so với ngày 28/7 nhưng vẫn ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 52 đến 142.
Cụ thể, lúc 8h cùng ngày, chỉ số AQI một số khu vực nội thành như sau: Hàng Đậu 132; Phạm Văn Đồng 125; Chi cục Bảo vệ môi trường 124; Thành Công 113. Tất cả đều ở mức kém.
Tại vùng ngoại thành, cao nhất là khu vực xã Vân Hà (huyện Đông Anh), chỉ số AQI 147; thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) 147; thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) 142; thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) 109; các khu vực khác ở mức trung bình. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí sáng nay vẫn kém là do thời tiết thay đổi: Đêm và ngày không có mưa, tốc độ gió thấp từ 0,3-1,8m/s, quẩn gió, ban ngày nắng nhẹ, nhiều mây, sáng sớm xuất hiện một lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn thành phố.
Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục xả ra môi trường hằng ngày. Dưới điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại ở lớp không khí sát mặt đất, gây ô nhiễm cục bộ. Thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm, khoảng thời gian người dân đi làm và học sinh đi học.
Trước đó, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong nửa đầu tháng 7 chất lượng không khí ở hầu hết các khu vực trên địa bàn Thủ đô đạt mức tốt, chỉ số AQI dao động trong khoảng từ 14-77.
Những khu vực thường xuyên có chất lượng không khí ở mức tốt gồm: Tân Mai, Tây Mỗ, Ba Đình, Thanh Xuân. Trong khi đó, khu vực Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Thành Công chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông nên nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định: Thời tiết vẫn là nguyên nhân chính tác động đến chất lượng không khí như: Trời quang mây, nắng gắt, chiều tối có mưa rào và dông nên các chất ô nhiễm được khuếch tán, chất lượng không khí được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Chiều ngày 29/7 tại Hà Nội đã có mưa, chất lượng không khí tại khu vực nội thành đã được cải thiện, nhưng rất chậm.
Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế và môi trường, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống (thông qua trang website: moitruongthudo.vn) để có các biện pháp phòng tránh. Khi ra khỏi nhà, mọi người cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân... Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc.
Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí
Trước đó, chiều 28/7, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và Cộng đồng Mạng lưới không khí sạch Việt Nam tổ chức Hội thảo cải thiện chất lượng không khí: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, qua một số khảo sát trong năm 2019 nhận thấy, nồng độ khối của bụi PM2.5 ở Hà Nội thấp nhất vào tháng 3, 4 và ít hơn vào tháng 8, 9 do điều kiện khí tượng như gió mùa và không có tình trạng đốt rơm rạ. Trong khi đó, vào tháng 12 nồng độ khối của bụi PM2.5 tăng cao, nguyên nhân có thể do tác động của sản xuất nông nghiệp trong đó có hoạt động đốt rơm, rạ, hoặc đốt sinh khói.