Chuyện làm ăn sau mùa dịch
Nạn dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như việc làm của người dân trên khắp thế giới, và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu đã phải chịu những hậu quả nặng nề. Tại Pháp, sau gần hai tháng diễn ra lệnh cách ly tại gia và giãn cách xã hội các cơ sở kinh doanh của người Việt cũng đang dần hoạt động trở lại và có những dấu hiệu tích cực.
Món ăn Việt trở lại
Tọa lạc tại phố Monge quận V, trung tâm Paris, Nhà hàng Foyer Việt Nam đã mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 với các món ăn do khách đặt làm sẵn đem về nhà, và chỉ giữa tháng 6 mới mở cửa chính thức đón khách với đầy đủ các phương tiện phòng chống dịch như rào chắn an toàn bằng kính, nước sát khuẩn phục vụ miễn phí, nhiều khách hàng lại hoan hỉ được thưởng thức những món ăn thuần Việt với giá cả phải chăng và bầu không khí thân thiện. Chị Trần Mai Lan – Quản lý nhà hàng chia sẻ: “Đương nhiên chúng tôi tuyệt đối tuân thủ những qui định về vệ sinh của chính phủ. Tất cả các nhân viên của chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt ngày, thường xuyên rửa tay. Chị xem đấy, chúng tôi cũng để nước rửa tay kháng khuẩn ngay tại cửa ra vào để phục vụ miễn phí cho khách hàng. Chúng tôi đã đặt các bàn ăn cách xa nhau.”
Cũng trong thời gian này Chính phủ Pháp cho phép các chủ nhà hàng và quán cà phê được sử dụng một khoảnh vỉa hè công cộng cho đến hết tháng 9 nhất là hiện nay, thời tiết tại Pháp đang rất đẹp, chị hồ hởi nói: “… nên chúng tôi cũng đặt một số bàn ăn ra ngoài, điều này khiến mọi người đều rất hài lòng. Nhờ vậy, chúng tôi đang dần trở lại hoạt động bình thường.” Bù lại, việc đón tiếp các hội đoàn trong các phòng họp của Foyer Việt Nam hiện giờ vẫn hạn chế.
Chị Mai Lan cho biết, nhà hàng chỉ được phép tiếp đón các hội đoàn nhiều nhất là 10 người. Đồng thời Nhà hàng vẫn phải dừng tất cả các hoạt động khác như các Khóa học làm bếp, các Khóa tư vấn việc làm, và sớm nhất là vào tháng Chín mới có thể tái khởi động. “Trên hết, - chị nói thêm - chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với cộng đồng kiều bào Việt.” Nhà hàng cũng đã nhận những lô khẩu trang được Việt Nam tặng và phát miễn phí cho mọi người trong cộng đồng kiều bào.
“Tóm lại - chị Mai Lan kết luận - chúng tôi đã rất cố gắng để mở cửa hàng trở lại sớm nhất và trong những điều kiện an toàn ở mức tối đa. Khách hàng của chúng tôi rất thấu hiểu, họ hiểu rằng chúng tôi tôn trọng tất cả các qui định về vệ sinh phòng dịch, về cách giãn xã hội, tẩy trùng. Họ rất vui được gặp lại chúng tôi và chúng tôi cũng vậy.”
Là chủ một nhà hàng châu Á, bà Muy Change cho biết: “Phải thú thật rằng cuộc sống sau giãn cách xã hội không hoàn toàn giống như trước đây nữa, thế nên phải thật kiên nhẫn. Doanh thu của nhà hàng chúng tôi không còn được như trước, có ít khách hàng hơn, rất ít. Vì có người vẫn còn sợ, có người thì còn lưỡng lự khi ra ngoài và đi ăn ở nhà hàng. Thế nên doanh thu của chúng tôi bị giảm đáng kể.”
Những lô hàng Made in Vietnam
Cũng tại quận V, Paris, cửa hàng Thanh Bình Jeune là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm được nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Đây là một địa chỉ yêu thích của rất đông dân chúng trong khu. Cửa hàng luôn đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và cùng lúc giới thiệu kịp thời các mặt hàng mới của Việt Nam. Trong thời kỳ diễn ra dịch Covid-19, cửa hàng vẫn được phép mở cửa, lượng khách hàng vẫn đến thường xuyên và hài lòng trước sự phục vụ của các nhân viên. Theo bà Ngô Thị Thủy Bình, chủ cửa hàng thì mọi chuyện diễn ra bình thường, dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của công ty. Bà chia sẻ: “Từ lúc hết cách giãn xã hội thì buôn bán có phần giảm so với thời kỳ cách ly. Vì trước đo tất cả các cửa tiệm khác phải đóng cửa, chỉ có cửa hàng của chúng tôi được phép mở, cho nên rất đông khách. Sau đó, các cửa tiệm khác bắt đầu mở lại thì doanh thu của doanh nghiệp chúng tôi có giảm xuống, tức là trở lại bình thường như thời chưa có dịch Covid-19. Và họ có thói quen hơn xưa, tức là họ không mua lắt nhắt nữa, mà mua nhiều trong một lần, để khỏi phải ra ngoài nhiều nhằm tránh bị lây virus, thế nên doanh thu sau kỳ cách giãn xã hội không giảm mà trở lại bình thường, chỉ có giá cả thì tăng lên.” Về mặt giữ an toàn vệ sinh và phòng trách lây nhiễm cho khách hàng, bà nói: “Trong thời kỳ cách ly thì nghiêm ngặt hơn, nhưng từ khi hết cách giãn xã hội thì nhân viên làm việc vẫn luôn phải đeo khẩu trang”.
Ngoài ra, trong thời kỳ cách giãn xã hội, cửa hàng Thanh Bình Jeune còn tổ chức bán trực tuyến nên vì vậy doanh thu cũng tăng thêm một phần. Và theo quy định mới của chính phủ Pháp, kể từ ngày 20/07, tất cả mọi người khi vào cừa hàng hoặc nơi làm việc khép kín đều phải đeo khẩu trang để bảo đảm tránh lây truyền vi rút, và cửa hàng Thanh Bình Jeune đã có những lô khẩu trang Made in Việt Nam đẹp đẽ xinh xắn và đa màu để phục vụ khách hàng của mình.
Nằm ở miền Tây nước pháp, ngụ trên phố de Bretagne của thành phố Laval, cửa hàng Le Vietnam của gia đình chị Trần Thị Phương Thảo cũng chuyên kinh doanh các nhu yếu phẩm và thực phẩm ngoại nhập, đến từ Việt Nam, châu Á và khắp nơi thế giới, chị cho biết: “Cửa hàng chúng tôi không ảnh hưởng gì, vẫn hoạt động bình thường. Trong 2 tháng phong tỏa thì doanh thu có cao hơn. Nếu có chút ảnh hưởng thì đó là do nguồn hàng nhập khan hiếm nên hơi khó đặt hàng”. Đợt trước thì nguồn hàng từ các nước châu Á bị hiếm, đợt này hàng đến từ khu vực này có vẻ ổn định lại thì hàng từ châu Phi bắt đầu khan hiếm do châu Phi đang bùng dịch. Giải thích về giá cả các mặt hàng đều tăng, thậm chí tăng vọt gấp đôi thời chưa có dịch, chị giải thích: “Có nhiều mặt hàng tăng lắm, như gạo và các đồ rau quả tươi. Nhưng thực tình không phải do chúng tôi lợi dụng tình hình để tăng giá. Trong thời kỳ này không ai lợi dụng nhưng tự nhiên là giá thành cao hơn thôi.” Lý do thì mọi chúng ta đều hiểu, đó là không có các chuyến bay thẳng và các nguồn nhập lại phải đến từ nhiều nguồn khác nhau.
“Tôi lấy một ví dụ nhỏ cụ thể nhé - chị nói tiếp, - trước đây chúng tôi bán gừng Trung Quốc, mà gừng Trung Quốc rất rẻ. Nhập vào là 2 đến 3 Euro/kg và bán ra từ 4 đến 5 Euro/kg là ổn. Nhưng đợt dịch không có gừng Trung Quốc nên chúng tôi buộc phải nhập gừng từ Braxin, mà Braxin lại không có máy bay thẳng đến Pháp mà chỉ đến Tây Ban Nha, rồi sau đó xe container mới chuyển hàng hóa từ Tây Ban Nha sang Pháp. Gừng Braxin bản chất đã đắt hơn gừng Trung Quốc, giờ lại thêm đoạn vận chuyển nên tiền công sẽ cao hơn rất nhiều. Giá lấy vào đã lên tới 6-7 Euro/kg. Cuối cùng chúng tôi cũng chỉ có thể bán 8-9 Euro/kg. Người tiêu dùng thấy các mặt hàng tăng vọt, nhưng thực chất lợi nhuận chúng tôi thu được lại ít hơn…” Với các mặt hàng rau quả, đôi khi là may rủi, vì tỷ lệ rau quả hỏng phải bỏ đi khá nhiều. Nâng giá cao thì người tiêu dùng bị choáng. “Việc bán giá thấp so với giá nhập, chúng tôi hi vọng chỉ là tạm thời trong khoảng thời gian ngắn thôi, chứ kéo dài là rất khó” - chị nói thêm.
Cũng theo chị Thảo, một lý do nữa để khiến vật giá leo thang nhanh là do các nhà hàng ăn bị đóng cửa, lượng hàng hóa ngoại nhập vào Pháp bị giảm mạnh, thời gian đợi nhập hàng lâu hơn, hàng hóa bán cho người tiêu dùng trở nên khan hiếm trong khi tiền công vận chuyển vừa cao hơn, lại vẫn được tính theo lô, theo chuyến như cũ, dẫu thiếu hàng hoặc ít hàng hơn!
Nền kinh tế của toàn cầu nói chung và của Pháp nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng chính phủ Pháp đã trích một khoản ngân quỹ hàng trăm tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm duy trì và phục hồi các hoạt động sau dịch. Các cơ sở kinh doanh đang dần phục hồi để lấy lại nhịp độ phục vụ và doanh thu của mình. Người dân Pháp cũng hân hoan tìm lại những thói quen của mình, dẫu các vật giá thiết yếu và giá cả sinh hoạt có đắt đỏ hơn so với trước mùa dịch.