Hướng đi lâu dài bền vững của Hòa Bình: Phát triển ngành dịch vụ

H.Mai 31/07/2020 08:30

Ngày 30/7, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự buổi làm việc có ông Bùi Văn Tỉnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc nhưng cũng là một trong 9 tỉnh vùng thủ đô Hà Nội và nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, là “láng giềng” và “vệ tinh” của Hà Nội. Với cao tốc Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình, chỉ mất khoảng 1 giờ ô tô từ Hòa Bình đến trung tâm Hà Nội.

Về địa chiến lược, Hòa Bình là cửa ngõ của Tây Bắc kết nối với đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kết nối miền núi với đồng bằng. Hòa Bình cũng là vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa, có tài nguyên phong phú; có tiềm năng lớn về tăng trưởng xanh, phát triển du lịch (nhất là du lịch sinh thái trải nghiệm văn hóa tại khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình), thủy điện, nông- lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy; là nguồn cung điện quan trọng của miền Bắc và cấp nước sạch dồi dào cho thủ đô Hà Nội.

Với những ưu thế, tiềm năng như vậy, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%, gấp 1,12 lần so với mức trung bình toàn quốc (6,8%/năm); quy mô kinh tế tăng mạnh, ước năm 2020 đạt khoảng 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 10,17%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm, công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản; nông nghiệp tăng trưởng đạt khoảng 4,1%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha năm 2020 của đất canh tác trồng trọt đạt 145 triệu đồng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình hoan nghênh các ý kiến đóng góp có trách nhiệm, xây dựng của các ban, bộ, ngành Trung ương cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình để hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đạt thành tựu quan trọng về nhiều mặt, đã tạo được diện mạo mới về phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch; hạ tầng giao thông, nhất là kết nối với Hà Nội, có bước phát triển mới về chất; quốc phòng - an ninh giữ vững; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, để Hoà Bình phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình gợi mở về một số quan điểm, tầm nhìn phát triển cụ thể, trong đó chú trọng xây dựng phát triển Hoà Bình theo hướng sinh thái; Hoà Bình phải là tỉnh đáng sống; phải hướng đến một “Hòa Bình xanh”, một “lá phổi xanh” của vùng Thủ đô Hà Nội.

Từ đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái- văn hóa và nghỉ dưỡng có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Văn Bình lưu ý, hướng đi cho nông nghiệp Hòa Bình là nông nghiệp đặc sắc; phát triển trồng rừng; công nghiệp thì ưu tiên công nghiệp chế biến gỗ, chế biến nông - lâm sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, năng lượng sạch. Trong phát triển công nghiệp, cần hết sức lưu ý yếu tố môi trường, hệ sinh thái, không để “xung đột” giữa phát triển công nghiệp với du lịch, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa - xã hội... Đặc biệt, hướng đi lâu dài, bền vững của Hòa Bình, theo ông Nguyễn văn Bình là phát triển nhóm ngành dịch vụ.

Trong xây dựng Đảng, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Hòa Bình cần chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh việc hoàn thiện các văn kiện, cần đặc biệt coi trọng công tác nhân sự. Hòa Bình có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số.

H.Mai