‘Bóng ma’ Covid-19 ám ảnh du lịch
Du lịch đang đứng trước một cơn khủng hoảng thứ hai khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Đến thời điểm này, những điểm nổi tiếng hấp dẫn về du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội... bắt đầu lên kế hoạch ứng phó với Covid-19, tạm hoãn các chương trình tham quan du lịch.
Hàng loạt điểm du lịch dừng các hoạt động dịch vụ, giải trí
Với hàng loạt các giải pháp kích cầu liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây, ngành du lịch chỉ mới nhen nhóm hồi phục được chừng 70% nay lại tiếp tục bị cơn đại dịch Covid-19 hoành hành trở lại, đánh sập hết những nhen nhóm đó. Con số thiệt hại 7 tỷ USD (theo ước tính của Tổng cục Du lịch) mà ngành phải hứng chịu, chỉ trong khoảng từ tháng 2 tới tháng 4 năm nay chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng khi mà liên tiếp những ca dịch bệnh mới được ngành y tế thông báo xuất hiện ở những điểm được coi là thủ phủ của du lịch: Đà Nẵng, Hội An, Kiên Giang, Sài Gòn, Hà Nội...
Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, có tới 80-90% số doanh nghiệp du lịch - lữ hành vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.
Đà Nẵng, nơi được đưa vào danh sách đầu tiên của nhiều du khách quốc tế cũng như khách nội địa với những điểm tham quan, vui chơi hấp dẫn bậc nhất như Bà Nà Hill, Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Tràm Chim và cách không xa là Thành phố Hội An nên thơ của Quảng Nam…Thì nay, tất cả đang gồng mình chống lại đại dịch với hàng loạt những phương án ứng phó, giãn cách xã hội.
Ngày 27/7 vừa qua, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đã ký văn bản 1043 triển khai loạt giải pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các giải pháp cấp bách phòng dịch, Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh lữ hành rà soát, thống kê khách du lịch do đơn vị phục vụ còn lại ở Đà Nẵng, các đoàn đang có lịch trình về Đà Nẵng và khách đi du lịch tại các địa phương khác chưa quay về Đà Nẵng, báo cáo Sở Du lịch thông tin tình hình cũng như vướng mắc khó khăn.
Ngày 28/7, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cũng đã ký công văn số 597 tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh khuyến cáo về tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành “tạm dừng tổ chức chương trình tham quan, du lịch tới địa phương đang có dịch”.
Kịch bản tăng trưởng không sáng
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Trường Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi thấy tình hình dịch đã tạm lắng, xã hội bắt đầu trạng thái “bình thường mới”, anh quyết định cùng mấy gia đình bạn thân lên kế hoạch đi du lịch và ý tưởng đầu tiên là sẽ đến Đà Nẵng. Bởi theo anh Giang, nơi đây không chỉ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà người dân cũng rất thân thiện, đồ ăn ngon... “Thế nhưng dịch Covid-19 hoành hành trở lại dập tắt luôn kỳ nghỉ “trong mơ” của chúng tôi tại thành phố này” – anh Giang nói và cho biết thêm, với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và mạnh như hiện nay, coi như năm 2020 gia đình tôi nói không với du lịch.
Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Hà Nội... đều đã phát đi thông điệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Điều này cũng đồng nghĩa các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch trên địa bàn các địa phương này sẽ tạm dừng. Rồi ngày mai, ngày kia và những ngày tiếp sau đó, người ta lại chứng kiến cảnh phố xá lặng như tờ, không một bóng người. Ai đó nói vui: Hà Nội lại chuẩn bị đến ngày giãn cách xã hội, thèm nghe tiếng còi xe tắc đường giờ tan tầm, thèm cảnh phố xá vỉa hè tụ tập trà chanh chém gió – “đặc sản” của Hà Nội...
Đà Nẵng chưa kịp qua cơn “hoàn hồn” vì hàng loạt khách sạn tại đây tuyên bố đóng cửa, nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán chịu lỗ... nay lại tiếp tục chịu cảnh đìu hiu. Tương tự, tại Hà Nội, Nha Trang, nhiều DN lữ hành phải ngừng hoạt động, bức tranh ngành du lịch vốn đã ảm đạm nay càng trở nên tiêu điều.
Số liệu từ Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, ngành du lịch đóng góp tới 8,8% GDP. Và 25% số việc làm mới tạo ra cho xã hội thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, “cơn bão” dịch bệnh càn quét đã khiến gần 66% số DN phải cắt giảm nhân sự, tới 9% DN tuyên bố đóng cửa kinh doanh. Trong những kịch bản được Tổng cục Du lịch xây dựng về tăng trưởng của ngành du lịch tới đây, tình hình không mấy khả quan, thậm chí là rất mù mịt khi “bóng ma” Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành.
Cụ thể, theo Tổng cục Du lịch, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9, lượng khách quốc tế sẽ giảm 75% với 4,6 triệu lượt. Còn nếu dịch tiếp tục hoành hành đến hết năm, khách quốc tế sẽ giảm mạnh hơn nữa khi chỉ đạt 3,7 triệu lượt khách của 3 tháng đầu năm.