Đảm bảo lương thực, thực phẩm trong tình hình mới

Hải Nhi 31/07/2020 09:00

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:Từng mũi, từng khối ngành phải xác định cố gắng cao nhất trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là hai trục sản xuất lương thực và thực phẩm.

Sau thông tin Hà Nội công bố 2 ca nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng, người dân đã tỏ ra bình tĩnh hơn. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng nhu yếu phẩm không còn cảnh người dân chen lấn, đua nhau tích trữ lương thực thực phẩm như hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Ngày 30/7, theo ghi nhận, tại các siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch, Vimart 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Big C Trần Duy Hưng,… người dân xếp hàng dài để mua lương thực thực phẩm, nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy.

Ở mỗi cổng vào của siêu thị đều có bảo vệ đứng để đo nhiệt độ cũng như hướng dẫn khách hàng thực hiện cá biện pháp chống dịch như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Nhân viên và khách hàng điều đeo khẩu trang đầy đủ và nghiêm túc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành NN-PTNT kiên quyết thực hiện bằng được các chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2020 là sản xuất 43,5 triệu tấn lúa; 8,5 triệu tấn thủy sản; 5,8 triệu tấn thịt các loại, hơn 14,6 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Từng mũi, từng khối ngành phải xác định cố gắng cao nhất trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là hai trục sản xuất lương thực và thực phẩm, không sợ thừa, không sợ ế sản phẩm bởi tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp.

“Trung Quốc chưa bao giờ xảy ra lũ lụt ở 27 trong tổng số 31 tỉnh, thành trong một thời gian dài như vậy. Thậm chí, Chính phủ phải mở hàng loạt kho dự trữ quốc gia, bao gồm cả các kho lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tình hình ngập lụt tại Ấn Độ cũng gây ra những thiệt hại lớn. Bởi vậy, “mục tiêu sản xuất lương thực, thực phẩm của ngành nông nghiệp trong năm 2020 được Chính phủ giao là bất di bất dịch, phải quyết liệt thực hiện cho bằng được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng trong tháng 8 tới, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị bàn về tái đàn lợn ở khu vực hợp tác xã và các gia trại nhỏ, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Tuy dịch tả lợn Châu Phi diễn biến rất phức tạp, nhưng ở trong nước đã có những mô hình ứng dụng công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng men vi sinh nhập từ nước ngoài và sản xuất trong nước rất hiệu quả, góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Tái đàn lợn là trọng tâm số một. Đến thời điểm này đàn cụ kỵ khoảng 1.200 con, 2,8 triệu con lợn nái, đủ cho tái đàn xét trên bình diện tổng thể. Tuy nhiên, yếu nhất ở đây là khu vực sản xuất nhỏ, hợp tác xã vẫn còn thiếu giống, chưa chủ động được nguồn giống. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương phải hỗ trợ người dân, mặt khác các doanh nghiệp lớn phải nuôi dưỡng thị trường nội địa, hãy vì cộng đồng.

Ngoài việc tăng cường tái đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, cần phải “tổng tiến công” các sản phẩm chăn nuôi khác. Mục tiêu là tăng số lượng đàn gà lên khoảng 12% nhưng chủ yếu là gà lông màu và gà ta nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra cần tăng sản lượng thịt bò, trứng, sữa.

“Để làm được điều đó, công tác thú y phải được đặc biệt quan tâm. Hiện nay chúng ta có khoảng 550 triệu con gà, đàn bò, trâu cũng cao nhất từ trước đến nay, nếu không phòng, chống dịch bệnh tốt thì rất khó bảo vệ được thành quả”, ông Cường lưu ý.

Hải Nhi